1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngân hàng kiến nghị lập sàn vàng quốc gia

Ba tháng trước, Ngân hàng Nhà nước công bố Thông tư 22 siết chặt kinh doanh vàng đối với tổ chức tín dụng. Còn nay, Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị “xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do”.

Nhiều người dân đang lo, sau khi “xóa bỏ kinh doanh” thì số phận “vàng miếng” sẽ như thế nào.

Xóa có dễ?

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong quý 2/2011, cơ quan này sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định về quản lý và kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ kinh doanh “vàng miếng” trên thị trường tự do. Điều này làm giới kinh doanh vàng xôn xao trước thông tin Ngân hàng Nhà nước sắp “xóa bỏ kinh doanh “vàng miếng” trên thị trường tự do”.
 
Ngân hàng kiến nghị lập sàn vàng quốc gia - 1
Giới kinh doanh vàng xôn xao trước thông tin Ngân hàng Nhà nước sắp “xóa bỏ kinh doanh “vàng miếng” trên thị trường tự do”.

Để hiểu rõ hơn khái niệm “vàng miếng”, ông Phí Đăng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, “vàng miếng” là loại vàng vật chất không ở dạng trang sức mà là loại vàng được Ngân hàng Nhà nước cho phép in, dập, đúc thành khối và được phép giao dịch trên thị trường.

Hiện nay có nhiều thương hiệu “vàng miếng” như vàng 3 chữ A (AAA), vàng Sacombank, Agribank, “Rồng Vàng” của Bảo Tín Minh Châu và nhất là SJC.

Lâu nay, “vàng miếng” được coi là “của gia bảo” hay phương tiện bảo toàn giá trị tài sản. Thậm chí, ở một chừng mực nào đó, chúng có cả dấu hiệu tiền tệ khi trở thành phương tiện thanh toán.

Nhận xét về chủ trương “xóa bỏ kinh doanh “vàng miếng”, ông Trần Nguyên Đức, chủ một cửa hàng kinh doanh vàng bạc trên đường Bưởi (Hà Nội) nói: “Cấm làm sao được! Mấy hôm nay, dân buôn vàng chúng tôi đều nói đó là chính sách không khả thi”.

Theo ông, người dân đang coi “vàng miếng” là một loại tài sản đầu tư và là phương tiện bảo toàn giá trị tài sản khi đồng tiền mất giá. Nếu không cho giao dịch, buôn bán thì số vàng này để đi đâu? Mặt khác, trong nền kinh tế, có rất nhiều hợp đồng làm ăn giao dịch với nhau bằng vàng, nay cấm thì lấy đâu vàng để thanh toán.

“Với các cơ sở kinh doanh buôn bán như chúng tôi thì quan trọng gì đâu, cấm cái này thì làm cái kia. Thậm chí còn được thêm tiền công chế tác!”, ông này nói thêm. Và “cái kia” ở đây chính là đưa “vàng miếng” trở về với vàng trang sức dưới dạng vòng, kiềng, đai, xích, nhẫn…

Thực tế, khi nhà nước cấm mang “vàng miếng” qua biên giới, người dân đã chuyển sang đeo những chiếc nhẫn nặng cả cây vàng, hay chiếc xích cổ dăm cây vàng và vẫn xuất nhập như thường.

Một băn khoăn khác là rất nhiều doanh nghiệp trước đây đầu tư rất nhiều tiền mua máy móc gia công, chế tác, in, dập “vàng miếng”, nay không được sản xuất loại vàng này thì không hiểu cơ quan giải quyết thế nào, cũng như các doanh nghiệp sản xuất linh kiện máy tính, vi mạch điện tử phải mua “vàng miếng” thì xử lý ra sao.

Sàn vàng quốc gia, “một công đôi việc”

Nhìn ở góc độ khác, một cán bộ phòng kinh doanh ngoại tệ của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phân tích: “Tôi cho rằng, thời điểm này nên cấm kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do một thời gian nhưng sau đó phải đưa vàng vào sàn giao dịch, coi chúng như hàng hóa trên sàn chứng khoán. Bởi lẽ, xét về lâu dài, điều tiết thị trường phải thông qua các biện pháp của thị trường”.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông qua các đầu mối có thể quản lý để đưa mọi giao dịch vàng vào trung tâm giao dịch vàng quốc gia, thay vì “mỗi ông tự xuất, tự nhập” như hiện nay.

Cách đây không lâu, một ngân hàng đã xây dựng và kiến nghị lên Chính phủ thông qua đề án thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia.

Theo đề án này, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung một số ngân hàng lớn thành lập sàn giao dịch như hình thức sàn giao dịch chứng khoán. Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò người thiết lập luật chơi giống như vai trò Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hiện nay và không vì mục đích lợi nhuận. Còn ngân hàng đóng vai trò tương tự công ty chứng khoán, hoạt động thông qua các nghiệp vụ kinh doanh trên sàn.

Sàn giao dịch vàng quốc gia sẽ hình thành mức giá chuẩn nhất đối với từng thương hiệu vàng. Từ đó, những cơ sở kinh doanh vàng trên thị trường sẽ phải tham chiếu mức giá này, trường hợp mức giá niêm yết của họ quá xa so với giá chuẩn của sàn quốc gia thì sẽ bị thị trường điều tiết.

Lợi  ích đầu tiên khi có sàn quốc gia là Nhà nước sẽ có công cụ và phương tiện để quản lý dòng xuất nhập khẩu vàng vật chất, nhờ đó, Nhà nước có thể quản lý tập trung lượng vàng đang nằm rải rác tại các ngân hàng, đơn vị kinh doanh vàng tại kho vàng nhà nước.

Thứ  hai, nhìn ở góc độ con số thống kê  và dự báo, Chính phủ không những biết được giá trị vàng trong nền kinh tế là bao nhiêu để có những biện pháp điều chỉnh thị trường phù hợp, tránh tình trạng vàng gây nhiễu sang thị trường ngoại hối như vừa qua. 

Thứ ba, khi vàng về kho nhà nước, có thể tạm hiểu là Chính phủ vay vàng của dân và tổ chức để làm dự trữ quốc gia. Trong trường hợp nhất định, có thể chuyển đổi chúng thành tiền hoặc tài sản thanh khoản cao để tái đầu tư vào nền kinh tế.

Tất nhiên, khi huy động vàng về kho thì phải cấp cho người dân và tổ chức chứng chỉ giống như chứng chỉ tiền gửi, Chính phủ phải trả lãi cho người dân, đồng thời cho người dân rút ra khi họ cần thì mới đảm bảo uy tín của Chính phủ.

Thứ tư, đối với người dân và tổ chức kinh doanh vàng thì được lợi ở chỗ, thị trường hoàn toàn minh bạch về giá, chất lượng và cơ chế vận hành. Do đặc thù hoạt động tập trung nên các thương hiệu vàng phải niêm yết giá công khai, nhờ đó, giá vàng được hình thành vừa trên cơ sở thị trường, vừa minh bạch, rất khó xảy ra tình trạng “đánh lên, đánh xuống” hoặc mù mờ thông tin như hiện nay.

Chưa kể, khi cầm “chứng chỉ vàng” trong tay, người dân và tổ chức được hưởng lãi suất như tiền gửi. Trong trường hợp muốn mua bán thì chỉ cần giao dịch qua tài khoản, an toàn hơn là giao dịch trực tiếp tại các cửa hàng vàng.

Theo Nguyễn Hoài
VnEconomy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm