1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Sàn vàng trước giờ đóng cửa: Ngổn ngang tơ vò

Chỉ còn một ngày nữa là lệnh đóng cửa sàn vàng chính thức có hiệu lực. Trong khi nhiều sàn vàng đã ngưng hoạt động thì vẫn còn một số sàn đang gấp rút tất toán, xử lý các hợp đồng với nhà đầu tư để chuẩn bị đóng cửa.

Sàn vàng trước giờ đóng cửa: Ngổn ngang tơ vò - 1
Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: Internet).
 
Một số sàn vàng khác lại “nhanh chân” giới thiệu một số sản phẩm đầu tư mới để không bị lãng phí tiền của đầu tư... Nhìn chung, tâm tư của cả nhà đầu tư lẫn những người quản lý sàn vàng đều đang “ngổn ngang trăm mối tơ vò”.

Ngậm ngùi ngọt ít đắng nhiều

Cả nước hiện có khoảng 20 sàn vàng và đến nay, đã có một số sàn vàng đóng cửa hay hoàn thành việc tất toán tài khoản của nhà đầu tư như sàn vàng của Sacombank, Đông Á, Việt Á, Eximbank - SJC, Southern Bank…

Lãnh đạo các sàn vàng cho biết, đến giờ này trạng thái của nhà đầu tư còn lại không nhiều, chủ yếu là trạng thái nhỏ. Một quan chức của Ngân hàng Nhà nước cũng cho hay, chưa có con số thống kê cụ thể, song số tài khoản còn lại ước chỉ khoảng vài trăm lượng. Đây là con là rất nhỏ so với hàng trăm nghìn lượng giao dịch mỗi ngày trước đây.

Theo ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Trung tâm Giao dịch vàng Việt Nam (VGB), hiện nay VGB chỉ còn khoảng 10% số tài khoản chưa tất toán được. “Từ nay đến ngày chốt danh sách chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết nốt những tài khoản còn lại”.

“Tuy nhiên nhà đầu tư cũng phải biết cân nhắc và chấp nhận lời, lỗ ở một mức nào đó. Nhà đầu tư nên chọn mức giá và thời gian nào tốt nhất để tiến hành chốt lời hoặc cắt lỗ hiệu quả nhất”, ông Hải cho biết như vậy.

Cũng theo ông Hải, những tài khoản còn số dư ít dù sàn đã nhiều lần nhắn tin thúc giục nhưng nhà đầu tư vẫn không đến rút…

Vấn đề này được anh Nam, một nhà đầu tư trên sàn VGB, lý giải: “Tâm lý chung của nhà đầu tư đều muốn khẩn trương tất toán tài khoản để chuyển vốn sang các kênh đầu tư mới… Tuy nhiên, nếu số dư tài khoản không đáng kể, nhiều người quá bận rộn sẽ ngại, thậm chí chán nản không muốn đến làm thủ tục thanh lý”.

Không được may mắn như những nhà đầu tư khác, đến nay, anh Nguyễn Văn Công - một nhà đầu tư ở quận Hoàn Kiếm - vẫn còn khoảng 20 lượng vàng ảo. Ngày nào anh cũng gọi điện cho nhân viên sàn vàng nhờ khớp lệnh nhưng đều nhận được câu trả lời là chẳng có ai đặt lệnh mua.

Thấm thía cảnh “ngọt bùi thì ít, đắng cay thì nhiều” sau một thời gian dài “chơi” vàng tài khoản, anh Công thấy mừng khi các sàn vàng bị đóng cửa: “Đã đâm lao thì phải theo lao chứ tôi thấy quản lý sàn vàng ở ta hiện nay là không thể. Người thiệt thòi cuối cùng luôn là nhà đầu tư,” anh Công tâm sự.

Hy vọng “30 chưa phải là Tết”

Không chỉ các nhà đầu tư mới “đầy tâm trạng” mà ngay cả những người lãnh đạo sàn vàng cũng đang đau đầu trước giờ đóng cửa sàn. Bên cạnh việc đôn đáo mở hướng kinh doanh mới, không ít lãnh đạo các sàn vẫn nuôi hy vọng “30 chưa phải là Tết”, rất có thể sàn vàng sẽ còn tiếp tục hoạt động.

Hầu hết các ngân hàng có sàn vàng trực thuộc đều cho biết, sẽ chấm dứt hoạt động theo quy định và không ra đời sản phẩm khác thay thế.

Theo ông Nguyễn Đức Thái Hân, Giám đốc sàn vàng ACB, hiện ACB chưa có kế hoạch gì mới cho sàn vàng. Nhưng theo giới thạo tin ngoài thị trường thì ACB đang âm thầm chuẩn bị đưa ra một hình thức kinh doanh mới, hứa hẹn sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư như thời ACb cho ra đời sàn vàng đầu tiên!?

Còn lại các đơn vị tổ chức sàn vàng không phải là ngân hàng lại đang "vò đầu bứt tai" nghĩ kế đa dạng hóa sản phẩm kinh doanh vàng cho nhà đầu tư, sau khi phải chấm dứt hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản trong nước.

Một số sàn như VGB, IGI của Công ty Đầu tư vàng Quốc tế đã kịp triển khai các sản phẩm đầu tư mới, dưới những cái tên khác như đầu tư vàng vật chất hay vàng nữ trang… nhưng thực sự vẫn thông qua hệ thống giao dịch của sàn và có tỷ lệ đặt cọc tương tự như tỷ lệ ký quỹ, phổ biến ở mức 5%. Tuy vậy, theo nhân viên nhận lệnh của một sàn, giao dịch của các sàn hiện rất trầm lắng, hợp đồng đầu tư mới ít được quan tâm như trước.

Tại sàn VGB, nhà đầu tư đặt cọc cho một  đơn hàng là 5% nhưng trong thời hạn 3 ngày nhà  đầu tư không đến lấy vàng, VGB sẽ tất toán tiền đặt cọc đó theo hợp đồng dân sự, nhà đầu tư có thể bị mất trắng. Khi được hỏi tại sao công ty không cho gia hạn hợp đồng, ông Hải cho rằng, trước đây VGB cũng cho gia hạn nhưng hiện nay không cho gia hạn nữa, vì nếu như vậy sẽ không đúng với bản chất và khái niệm của hợp đồng dân sự.

Cũng với một hướng đi khác, một số ít sàn vàng đã bắt đầu nghĩ đến chuyện mở công ty kinh doanh vàng tại một số nước lân cận Việt Nam để rồi đầu tư và mở chi nhánh ngược trở lại Việt Nam. Do mang yếu tố nước ngoài nên doanh nghiệp sẽ không phải chịu tác động của các quy định dành cho doanh nghiệp trong nước…

Bên cạnh đó, trao đổi với phóng viên, một số giám đốc sàn vàng rất hy vọng vào việc tái khởi động sàn vàng trong thời gian tới vì UBND TPHCM có đơn đề nghị Ngân hàng Nhà nước về việc chuyển sàn vàng về Sở giao dịch chứng khoán Thành phố quản lý.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, đề nghị trên có từ trước khi Chính phủ quyết định dừng hoạt động của các sàn vàng, chính vì thế sẽ không có chuyện sàn vàng hoạt động trở lại.

Theo Minh Thúy
Vietnam+