1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngân hàng đua mở rộng mạng lưới

Cuộc đua mở rộng mạng lưới của các ngân hàng không còn ồ ạt như cách đây vài ba năm, mà đã đi vào thực chất, bền vững hơn.

Chỉ trong nửa cuối năm 2016, một loạt chi nhánh, phòng giao dịch mới của các ngân hàng thương mại lớn, nhỏ được cấp phép. Riêng trong quý III/2016, nhất là 2 tháng cuối năm (tháng 11 và 12/2016) hàng loạt ngân hàng đã và đang lên kế hoạch mở rộng thị phần tới các thị trường trọng điểm trong cả nước.

Ngân hàng Bắc Á cho biết, đến cuối quý III/2016 đã có hơn 100 điểm giao dịch ở 20 tỉnh, thành trên toàn quốc. Một ngân hàng TMCP cỡ vừa khác là TPBank cũng đang có kế hoạch “lấn sân” mạnh mẽ tới các thị trường tiềm năng trên toàn quốc.

Ngân hàng đua mở rộng mạng lưới - 1

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) mới đây công bố các con số ấn tượng về kết quả mở rộng mạng lưới, nhân sự. Theo đó, vốn điều lệ của ngân hàng này được tăng mạnh lên trên 5.300 tỷ đồng, phục vụ hơn 650.000 khách hàng cá nhân và 20.000 khách hàng doanh nghiệp. Chưa hết, ngân hàng cũng không ngừng mở rộng quy mô, đưa dịch vụ tới các tỉnh, thành trọng điểm như Thái Bình, Nghệ An, Điện Biên, Lạng Sơn… Với 159 điểm giao dịch hiện tại, ABBank sẽ tiếp tục khai trương thêm các chi nhánh và phòng giao dịch ngay trong tháng 1/2017.

Ngân hàng đua mở rộng mạng lưới - 2

Chia sẻ về tốc độ mở rộng mạng lưới nhanh chóng, đại diện Ngân hàng ABBank cho rằng việc tăng tốc này nằm trong chiến lược phát triển kênh phân phối bán lẻ của ngân hàng và sử dụng hiệu quả nguồn vốn điều lệ hơn 5.300 tỷ đồng.

"Sự hiện diện mạng lưới điểm giao dịch của Ngân hàng sẽ mang lại hiệu quả tích cực cho các mảng hoạt động của Ngân hàng. Các điểm giao dịch mới của ABBANK sẽ đưa dịch vụ của ngân hàng đến gần hơn với cộng đồng, củng cố vững chắc cơ sở khách hàng, gây dựng được hình ảnh, lòng tin cùng uy tín thương hiệu trên địa bàn”, ông nói.

Ngân hàng đua mở rộng mạng lưới - 3

Đồng tình với quan điểm này, theo lãnh đạo một ngân hàng TMCP cỡ vừa tại Hà Nội trong bối cảnh thị trường tài chính cạnh tranh gay gắt, việc mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ là bài toán sống còn của mỗi ngân hàng. Chưa kể, các ngân hàng đang có xu hướng đẩy mạnh thị phần bán lẻ, độ phủ mạng lưới hoạt động đóng vai trò quan trọng để tiếp cận khách hàng.

“Khi mặt bằng lãi suất được đưa về mức ổn định, ngân hàng sẽ phải nghĩ các chính sách đẩy mạnh khai thác thị trường, kéo vốn và khách hàng về phía mình. Và việc mở rộng quy mô cũng nằm trong chiến lược tiếp cận gần hơn với khách hàng”, ông Cù Tuấn Anh - Giám đốc ABBANK chia sẻ.

Ngân hàng đua mở rộng mạng lưới - 4

Giới chuyên gia cũng nhận định cạnh tranh và mục tiêu tạo nền tảng phát triển bền vững là nguyên nhân khiến các ngân hàng phải mở rộng quy mô, chiếm lĩnh thị phần. Nhưng theo dõi diễn biến hoạt động này của hệ thống ngân hàng, sau gần 3 năm củng cố, chấn chỉnh theo các tiêu chuẩn, điều kiện cấp phép mở chi nhánh, phòng giao dịch mới của Ngân hàng Nhà nước (Thông tư 21/2013), các ngân hàng muốn mở rộng mạng lưới là những ngân hàng có nền tảng tài chính vững mạnh.

Cụ thể, theo Thông tư 21/2013 quy định về mạng lưới hoạt động của các ngân hàng thương mại, việc mở mới chi nhánh sẽ ngày càng siết chặt hơn như để được mở thêm chi nhánh, ngân hàng thương mại phải kinh doanh có lãi; tỷ lệ nợ xấu không được vượt quá 3%; vốn tối thiểu cho mỗi chi nhánh là 300 tỷ đồng….

Ngân hàng đua mở rộng mạng lưới - 5

Vì thế, ở khía cạnh nhất định, các quyết định từ phía Ngân hàng Nhà nước chấp thuận thành lập chi nhánh và phòng giao dịch trong thời gian gần đây cho thấy, mạng lưới ngân hàng không còn quá tập trung vào các thành phố lớn, đô thị mà trải rộng thị trường tại các địa bàn ngoại thành, nông thôn, hạn chế tình trạng nơi thừa nơi thiếu dịch vụ ngân hàng.

“Không ồ ạt như trước, chỉ có ngân hàng nào đủ “khoẻ”, đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng cao mới có khả năng được cơ quan quản lý chấp thuận mở rộng mạng lưới”, lãnh đạo một ngân hàng thương mại nhận xét. Thậm chí, vị này cũng cho rằng, việc mở rộng mạng lưới của các ngân hàng gần đây có thể xem là một dấu hiệu về tình hình sức khỏe và chuẩn mực hoạt động đã cải thiện, đảm bảo theo yêu cầu khắt khe của Ngân hàng Nhà nước.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm