Ngân hàng đua mở chi nhánh, liên kết phát triển

(Dân trí) - Hàng loạt ngân hàng bước vào cuộc đua mở rộng quy mô theo phân khúc thị trường của mình, cũng như liên kết cùng phát triển, tài trợ cho các dự án… Xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong tương lai, nhằm đem lại giá trị gia tăng cho các tổ chức tín dụng.

Tuần qua, Ngân hàng Liên Việt (LienVietBank) khai trương chi nhánh Cần Thơ, nâng tổng số điểm giao dịch của ngân hàng này lên con số 19 tại các tỉnh, thành phố trọng điểm trên cả nước.
 
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chi nhánh Nghệ An khai trương đưa vào hoạt động 2 phòng giao dịch mới, nâng tổng số điểm giao dịch của SHB trên toàn quốc lên tới con số 92 đơn vị.
 
Ngân hàng Á Châu (ACB) khai trương phòng giao dịch Minh Khai, đây là con số thứ 203 trong hệ thống các chi nhánh và phòng giao dịch của ACB trên toàn quốc...
 
Ngân hàng đua mở chi nhánh, liên kết phát triển - 1
Chi nhánh LienVietBank Cần Thơ.
Nền kinh tế có nhiều khởi sắc, cùng với kế hoạch phát triển kinh doanh, mở rộng thị phần khiến hàng loạt các ngân hàng đua nhau mở rộng chi nhánh, phòng giao dịch trong những tháng cuối năm.
 
Kể từ ngày 1/4/2007, các ngân hàng 100% vốn nước ngoài được phép họat động ở Việt Nam, với mức độ cạnh tranh trên thị trường tài chính - ngân hàng ngày càng quyết liệt, ngân hàng nội đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nâng cao cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần, mở thêm điểm giao dịch ở vùng sâu, vùng xa, cũng như cung cấp mọi dịch vụ tín dụng cho khách hàng giống như tại trụ sở chính.
 
Cùng với việc mở rộng mạng lưới, khá nhiều ngân hàng đẩy mạnh hoạt động thông qua liên kết với nhau để đầu tư, tài trợ cho các dự án hoặc cung cấp một dịch vụ nào đó.
 
Gần đây nhất, Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) đã ký thoả thuận hợp tác toàn diện giai đoạn 2009 - 2012. LienVietBank ký kết hợp tác với Công ty cổ phần Dược phẩm Hậu Giang và Công ty cổ phần Gentraco.
 
Theo lý giải của đại diện các ngân hàng, những sự liên kết hợp tác này sẽ giúp họ có thêm nhiều khách hàng ở các lĩnh vực khác nhau.
 
Hay như kỳ vọng của Chủ tịch HĐQT OceanBank, ông Hà Văn Thắm: “BIDV là ngân hàng lớn, mạng lưới rộng, có uy tín và kinh nghiệm hoạt động lâu năm. Chúng tôi tin tưởng quan hệ hợp tác toàn diện sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên, đặc biệt sẽ giúp OceanBank tiến nhanh hơn trên thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam”.
 
Các chuyên gia tài chính nhận định, việc hợp tác giữa ngân hàng với ngân hàng, ngân hàng với các tập đoàn kinh tế khác đang trở thành xu hướng.
 
Bởi ngoài việc các ngân hàng dựa vào tiềm lực kinh nghiệm cũng như tiếp cận khách hàng của nhau thì hợp tác còn tạo điều kiện cho các ngân hàng thuộc các tập đoàn kinh tế lớn không bị mắc quy định về tỉ lệ cho vay trong tập đoàn đang được bàn thảo và có thể sẽ được ban hành trong thời gian tới...
 
“Việc liên kết có thể diễn ra giữa ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ hoặc giữa các ngân hàng lớn với nhau hoặc giữa các ngân hàng nhỏ với nhau. Trong liên kết giữa ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ, ngân hàng nhỏ có được thêm uy tín, thêm sức mạnh về tài chính, thêm khách hàng. Đây cũng có thể là động thái của các ngân hàng nội để củng cố thị phần và các cơ hội kinh doanh để đối phó với hoạt động ngày càng mạnh của các ngân hàng ngoại.
 
Các ngân hàng làm việc này để đạt được nhiều mục đích, nhằm tạo thêm sức mạnh để củng cố thị phần, củng cố thương hiệu, mở rộng dịch vụ và tăng thêm năng lực tài chính. Việc liên kết này cũng phù hợp với xu thế của thị trường cũng như phù hợp với định hướng phát triển của ngành ngân hàng”, một chuyên gia cho hay.
 
PGS, TS. Nguyễn Đình Tự cho biết: Sau một thời gian gia nhập WTO, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có bước chuyển biến rõ rệt theo hướng tạo ra một thị trường mở cửa và có tính cạnh tranh cao hơn, thúc đẩy khu vực dịch vụ ngân hàng tăng trưởng cả về quy mô và loại hình hoạt động, thích ứng nhanh hơn với những tác động từ bên ngoài; từ đó có khả năng đóng góp nhiều hơn và chủ động hơn vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
 
Các ngân hàng thương mại đã có sự chuyển mình mạnh mẽ để tận dụng tốt những cơ hội trong quá trình hội nhập, khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh “trên sân nhà”.
 
Đó là có mạng lưới rộng lớn, có khách hàng truyền thống và hiểu biết về khách hàng cũng như các điều kiện kinh doanh tại Việt Nam, kinh nghiệm nghiệp vụ tích lũy trong nhiều năm qua.
 
Do vậy, các ngân hàng thương mại trong nước vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong việc cung cấp các dịch vụ truyền thống là huy động vốn và cho vay. Hiện nay, thị phần huy động vốn của các ngân hàng thương mại trong nước chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 90%.
 
Tuy nhiên, để có thể cạnh tranh được với các ngân hàng ngoại sau giai đoạn hội nhập, hệ thống ngân hàng thương mại cần xây dựng chiến lược kinh doanh và chiến lược quản trị theo thông lệ quốc tế; rút kinh nghiệm về kinh doanh và quản trị rủi ro thời kỳ cuối năm 2007 và đầu năm 2008 để trước mắt giữ an toàn hoạt động, sau đó là để phát triển.
 
Các ngân hàng cũng cần tiếp tục cơ cấu lại và thực hiện các biện pháp tăng vốn điều lệ theo quy định của Chính phủ, tiến dần đến việc hình thành những ngân hàng ngang tầm khu vực và thế giới...
 
An Hạ