Ngân hàng có còn "lãi khủng"?

(Dân trí) - Trong số ít ngân hàng vừa công bố lợi nhuận 9 tháng đầu năm, Vietinbank hiện là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất trong hệ thống. Kết quả kinh doanh của một số ngân hàng khác không đạt như kế hoạch đề ra.

Ngân hàng “e dè” công bố lợi nhuận (ảnh minh họa).
Ngân hàng “e dè” công bố lợi nhuận (ảnh minh họa).

Nếu như thời gian này của những năm về trước, các ngân hàng dồn dập công bố lợi nhuận 9 tháng đầu năm với những con số cao đáng ngưỡng mộ, thì nay không khí khác hẳn. “ E dè” có lẽ là từ hợp lý nhất để chỉ động thái công bố kết quả kinh doanh của ngân hàng hiện nay. Những khó khăn của nền kinh tế, nợ xấu, tăng trưởng tín dụng giảm… đã bắt đầu hiện hữu trong các bản báo cáo.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (mã chứng khoán: CTG) vừa thông báo báo cáo tài chính riêng lẻ quý 3 và 9 tháng đầu năm 2012. Theo đó, trong điều kiện kinh tế vĩ mô không thuận lợi và những khó khăn trong lĩnh vực ngân hàng, Vietinbank vẫn đạt được kết quả kinh doanh tốt và đạt lợi nhuận cao nhất ngành ngân hàng.

Cụ thể, trong Quý 3/2012, tổng tài sản của VietinBank tăng 9,6% so với Quý 2/2012. Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt là 3.177 tỷ đồng và 2.414 tỷ đồng, gấp 4,23 lần và 4,27 lần so với Quý 2/2012. Tính chung 9 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của VietinBank đạt con số ấn tượng với lợi nhuận trước thuế gần 6.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trên 4.500 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh, với lợi nhuận sau thuế quý III/2012 đạt 1.081 tỷ đồng, tăng 5,46% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lũy kế lãi ròng 9 tháng, Vietcombank thu về 3.237 tỷ đồng, thấp hơn so với 9 tháng đầu năm 2011 khoảng 2,14%.

Một số ngân hàng khác như: Eximbank, Sacombank,  Lienviet Postbank... không đạt được kết quả kinh doanh như mong muốn so với kế hoạch năm. Ba quý đầu năm lợi nhuận trước thuế của Eximbank là 2.417 tỷ đồng, bằng 52,5% chỉ tiêu 4.600 tỷ đồng cả năm 2012. Sacombank cho biết lợi nhuận trước thuế 9 tháng là 2.107 tỷ đồng, tương đương 62% kế hoạch năm.

Lienviet Postbank, 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thế đạt 468 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ 2011.Các mảng kinh doanh của LienViet Post Bank trong quý 3/2012 đều kém hơn so với cùng kỳ 2011, mảng dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán đều lỗ.

ACB lỗ 1.251 tỷ đồng từ kinh doanh vàng trong quý III/2012, khiến cho lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm chỉ còn 1.187 tỷ đồng.

Giới chuyên gia ngân hàng cho rằng, trong bối cảnh tín dụng tăng thấp, nợ xấu cao, lợi nhuận của một số ngân hàng đạt mức cao là một điều đáng mừng. Còn về kết quả sụt giảm của một số ngân hàng vừa công bố cho thấy, nợ xấu cũng tăng đáng kể. Ví dụ như tại Vietcombank, nợ xấu của ngân hàng mẹ tại thời điểm 30/9/2012 đạt 3,21%, tăng đáng kể so với con số 2% đầu năm, trong đó nợ có khả năng mất vốn trên 3.200 tỷ. Nhưng nếu so với con số nợ xấu 3,5% vào cuối quý 2/2012 thì nợ xấu của VCB đang được kiểm soát dần.

Hay như nợ xấu của LienViet PostBank tại thời điểm 30/9 đạt 2,66%, tăng nhẹ so với đầu năm 2,14%, trong đó nợ có khả năng mất vốn lên đến 244 tỷ đồng, tăng gần 240 tỷ so với đầu năm.

Tuy nhiên, theo TS. Trần Hoàng Ngân, chúng ta không nên nhìn nhận kết quả kinh doanh hay “sức khỏe” của các ngân hàng Việt hiện nay qua các con số. Bởi “tôi và rất nhiều người đều không tin các con số lợi nhuận mà ngân hàng và doanh nghiệp công bố trong bối cảnh hiện nay. Điều cần làm để củng cố lòng tin của người dân hiện nay là minh bạch hóa thông tin”, TS.Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Còn theo TS.Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Trong 8 tháng đầu năm 2012, tín dụng tăng trưởng rất thấp vì chúng ta quá thắt chặt tín dụng và nợ xấu tăng quá nhanh. Tính đến nay, tăng trưởng tín dụng mới đạt khoảng 2,64%. Năm 2012, tăng trưởng tín dụng cao lắm cũng chỉ đạt 7 - 8%. Còn với năm 2013, trên cơ sở cơ cấu hệ thống ngân hàng, hoạch định lại doanh nghiệp, tín dụng sẽ tăng trưởng tốt hơn năm nay, khoảng 8 - 10%. Lúc đó, nợ xấu sẽ được dọn dẹp dần dần, tình trạng doanh nghiệp vi phạm tiêu chuẩn cho vay cũng ít hơn, các doanh nghiệp sau khi sắp xếp lại sẽ khỏe hơn, có khả năng hấp thụ vốn tốt hơn…điều này làm tín dụng sẽ tăng mạnh hơn.

Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội sáng 23/10, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết: “Nợ xấu đang được tập trung giải quyết để tăng thanh khoản cho ngân hàng, cho cả nền kinh tế. Giải quyết được vấn đề này một cách tương đối mới xử lý được các vấn đề khác. Khó khăn nhất hiện nay là tín dụng cho bất động sản. Nếu gỡ được điểm này sẽ giải quyết được cả vấn đề tồn kho. Nói chung bài toán khá phức tạp nên chúng ta phải phân tích để có lựa chọn”.

Nguyễn Hiền