Ngân hàng báo lãi kỷ lục
(Dân trí) - 6 tháng đầu năm nay, trong khi Vietcombank tiếp tục dẫn đầu thị trường với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 11.280 tỷ đồng thì ACB cũng nổi lên như một hiện tượng của ngành ngân hàng với con số 3.620 tỷ đồng.
Tuần qua, nhiều ngân hàng đã tổ chức tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2019, với những con số lợi nhuận cao kỷ lục.
Tại hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm, ông Phạm Quang Dũng – Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết: Lợi nhuận trước thuế đạt 11.045 tỷ đồng, tăng 43,1% so với cùng kỳ năm 2018. Lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng này đạt 11.280 tỷ (tăng 40,7% so với cùng kỳ, thực hiện 55% kế hoạch năm 2019).
Chỉ số ROAA, ROAE của ngân hàng đạt tương ứng là 1,62% và 25,19% trong 6 tháng đầu năm. Vietcombank tiếp tục có giá trị vốn hóa lớn nhất trong các ngân hàng niêm yết và vươn lên là ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất hệ thống ngân hàng.
Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng ghi nhận nhiều cái tên với mức lãi hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, ACB nổi lên như một hiện tượng của ngành ngân hàng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của ACB đạt 3.600 tỷ đồng, hoàn thành 49% kế hoạch năm; Tăng trưởng tín dụng và tiền gửi lần lượt là 9% và 7%.
Tính đến cuối tháng 6/2019, tổng tài sản của ACB đạt 352.000 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng thêm 21.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,7%. Ngân hàng này cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nâng room tín dụng từ 13% lên 17%. Trong nửa đầu năm, tín dụng của ngân hàng này đã tăng 9%, tương đương tăng thêm khoảng 20.000 tỷ đồng.
Với Sacombank, lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.500 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2019, hoàn thành 55% kế hoạch năm; tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,11% xuống còn 1,96%. Sacombank cho biết đã thu hồi nợ xấu và tài sản tồn động hơn 11.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Theo đó, lũy kế Sacombank đã thu hồi được gần 35.700 tỷ nợ xấu kể từ khi triển khai Đề án tái cơ cấu.
Ở nhóm ngân hàng quy mô vừa và nhỏ; lợi nhuận cũng đạt mức khá ấn tượng. VIB đạt lợi nhuận 1.820 tỷ trong 6 tháng đầu năm, dẫn đầu thị trường về doanh số phân phối bảo hiểm nhân thọ và phát hành thẻ. Doanh thu của ngân hàng đạt 3.662 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lãi thuần từ hoạt động dịch vụ chiếm 21%, tăng 143% so với cùng kỳ.
TPBank cho biết, trong 6 tháng đầu năm ngân hàng đạt lợi nhuận 1.620 tỷ đồng, tăng 596 tỷ đồng tương đương hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước và đạt 50,6% kế hoạch đại hội đồng cổ đông đã đề ra cho cả năm. Mức lợi nhuận này được ghi nhận sau khi ngân hàng trích đầy đủ dự phòng rủi ro theo quy định. Ngoài ra, TPBank còn trích thêm dự phòng cho trái phiếu đặc biệt VAMC là 224 tỷ đồng để thực hiện mục tiêu xử lý xong trong năm nay toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC.
Theo báo cáo tài chính, phần lớn lợi nhuận của các ngân hàng đến từ mảng bán lẻ và dịch vụ. Như tại VIB, đây là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng bán lẻ cao và chất lượng. Tốc độ tăng trưởng cho vay bán lẻ 6 tháng đầu năm tăng 21%. Dư nợ cho vay ngân hàng bán lẻ chiếm 78% tổng danh mục cho vay của ngân hàng. Hai sản phẩm cho vay chủ lực là cho vay mua nhà ở và cho vay ô tô đạt tăng trưởng 19% và 23% trong 6 tháng đầu năm (năm 2018 đạt tốc độ tăng trưởng tương ứng là 45% và 59%).
Hoặc như tại ACB, mảng phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) có tỷ lệ tăng trưởng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước, doanh số bán bảo hiểm khoảng 350 tỷ đồng. Doanh thu dự kiến của mảng này khoảng 600 tỷ đồng trong năm 2019...
An Hạ