1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nga "phản đòn" phương Tây bằng cách tạo ra chuẩn riêng về giá dầu

Nhật Linh

(Dân trí) - Chính phủ Nga đang có kế hoạch tạo ra một mức chuẩn giá dầu quốc gia riêng trong năm tới như một cách để tự vệ trước những nỗ lực của phương Tây nhằm hạn chế nguồn thu từ xuất khẩu dầu của Nga.

Theo một tài liệu mà Bloomberg News có được, các bộ chủ chốt cùng với các nhà sản xuất dầu trong nước và ngân hàng trung ương Nga đang có kế hoạch triển khai nền tảng giao dịch dầu quốc gia vào tháng 10 tới.

Theo đó, Nga sẽ nỗ lực thu hút các đối tác nước ngoài mua dầu Nga với mục tiêu đạt được khối lượng giao dịch đủ lớn để thiết lập mức giá chuẩn trong khoảng thời gian từ tháng 3/2023 đến tháng 7/2023.

Nga phản đòn phương Tây bằng cách tạo ra chuẩn riêng về giá dầu  - 1

Chính phủ Nga đang có kế hoạch tạo ra một mức chuẩn giá dầu quốc gia riêng trong năm tới (Ảnh: Bloomberg).

Hơn một thập kỷ qua, Nga đã cố gắng tạo ra mức chuẩn giá dầu cho riêng mình nhưng không mấy thành công. Một số nhà sản xuất dầu của nước này đã bán các lô dầu thô xuất khẩu tại sở giao dịch hàng hóa Spimex ở Moscow, nhưng khối lượng giao dịch không đủ cao để thiết lập mức giá chuẩn được chấp nhận trên toàn cầu.

Sau cuộc chiến tại Ukraine, các nước phương Tây mà dẫn đầu là Mỹ, Anh và EU đã áp loạt biện pháp trừng phạt đối với Nga. Trong đó, Mỹ cấm nhập khẩu hoàn toàn dầu và khí đốt của Nga. Anh hướng đến loại bỏ dầu Nga vào cuối năm nay. Còn châu Âu cấm vận dầu Nga, có hiệu lực vào cuối năm nay.

Tháng trước, nhóm các nước G7 cũng đã đồng ý hạn chế nguồn thu của Moscow bằng cách áp giá trần đối với dầu Nga.

Ngày 12/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết sẽ đề xuất áp giá trần đối với dầu Nga. Theo bà, việc áp trần giá đối với dầu thô của Nga sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc hạ nhiệt lạm phát đang tăng cao kỷ lục tại Mỹ. "Áp giá trần đối với dầu Nga là một trong những công cụ mạnh nhất để giảm thiệt hại mà người Mỹ và các gia đình trên thế giới cảm nhận tại các trạm xăng và cửa hàng tạp hóa lúc này", bà nói.

Tuy nhiên, kế hoạch áp giá trần dựa trên một cơ chế phức tạp chưa từng được thử nghiệm từ trước đến nay. Do đó, một số chuyên gia trên thị trường năng lượng toàn cầu cho rằng điều này sẽ không có hiệu quả.

Phản ứng với đề xuất đó, Nga cũng cảnh báo việc này có thể khiến cho nguồn nguyên liệu này tiếp tục tăng giá.

Dầu Urals, loại dầu xuất khẩu chủ lực của Nga, thường được giao dịch ở mức giá rẻ hơn so với dầu Brent. Kể từ khi cuộc chiến nổ ra, mức chiết khấu của dầu Urals càng nới rộng hơn khi các lệnh trừng phạt làm giảm sức hấp dẫn của dầu Urals. Tính từ ngày 15/6 đến ngày 14/7, dầu Nga đang được giao dịch ở mức trung bình 84 USD/thùng, trong khi dầu Brent là khoảng 110 USD/thùng.

Tuy nhiên, giá dầu toàn cầu tăng cao khiến cho nguồn thu từ dầu của Điện Kremlin vẫn tiếp tục, không hề suy giảm.

Hai quan chức giấu tên của Nga xác nhận chính phủ đang tiến hành xây dựng mức giá chuẩn quốc gia nhằm đảm bảo việc xuất khẩu dầu thô của Nga không chịu áp lực hay hạn chế nào từ bên ngoài. Họ cho rằng việc G7 đề xuất áp giá trần đối với dầu Nga càng khẳng định sự cấp thiết của việc thiết lập mức chuẩn quốc gia cho giá dầu của Nga.

Đề xuất trên đang trong giai đoạn đầu và các cơ quan chính phủ vẫn chưa xác định liệu có cần thêm khuôn khổ pháp lý nào cho hoạt động giao dịch dầu tại nền tảng này hay không.

Theo Bloomberg, VOA

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm