Nga muốn giúp Hy Lạp thoát khủng hoảng

Tuyên bố này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Chính phủ Hy Lạp tỏ ý phản đối kế hoạch của EU về tăng cương trừng phạt Nga...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov - Ảnh: Bloomberg/Getty/CNBC.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov - Ảnh: Bloomberg/Getty/CNBC.
 
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:  
 
Trao đổi với hãng tin CNBC, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov hôm qua (29/1) nói rằng, Moscow sẽ cân nhắc hỗ trợ tài chính để giúp Athens thoát khỏi tình trạng nợ nần chồng chất hiện nay. Tuyên bố này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Chính phủ cánh tả mới được thành lập của Hy Lạp tỏ ý phản đối kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) về tăng cương trừng phạt Nga.

Ông Siluanov nói, Hy Lạp hiện chưa đề nghị Nga giúp đỡ, nhưng Moscow không loại trừ khả năng hai nước đạt một thỏa thuận trong trường hợp Athens ngỏ lời.

“Chúng tôi có thể hình dung ra bất kỳ tình huống nào. Bởi vậy, nếu một đề xuất như thế được đưa ra với Chính phủ Nga, chúng tôi chắc chắn sẽ xem xét. Nhưng chúng tôi sẽ cân nhắc dựa trên tất cả các yếu tố của quan hệ song phương Nga-Hy Lạp. Đó là tất cả những gì tôi có thể nói. Nếu họ đề xuất, chúng tôi sẽ xem xét”, ông Siluanov nói trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền trên CNBC tại Moscow hôm qua.

Tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga được đưa ra 2 ngày sau khi Chính phủ của tân Thủ tướng Alexis Tsiparas không đáp lại lời kêu gọi của EU về tăng cường trừng phạt Nga. Sự phớt lờ này của Athens có thể được xem như một tín hiệu cho thấy Hy Lạp đang muốn “hướng đông” để tìm sự hỗ trợ tài chính của Moscow.

Hôm thứ Ba tuần này, các nhà lãnh đạo EU ra một tuyên bố kêu gọi gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga do vai trò của Moscow trong cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine. Từ trước tới nay, Nga vẫn phủ nhận những cáo buộc của châu Âu và Mỹ cho rằng Nga “bơm” tiền, vũ khí và lính cho lực lượng nổi dậy ở Ukraine.

Ngay sau khi tuyên bố trên được EU đưa ra, đảng Syriza của Thủ tướng Tsiparas ra một tuyên bố nói rằng, tuyên bố của EU “không có sự nhất trí của Hy Lạp” và bày tỏ “sự không hài lòng với cách làm như vậy”.

Trong cuộc phỏng vấn hôm qua, ông Siluanov nói, các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga đến nay đã có những tác động tiêu cực, nhưng Nga có thể thích nghi được.

“Lệnh trừng phạt đúng là đã có ảnh hưởng tiêu cực lên chúng tôi. Nhưng, các công ty Nga đã điều chỉnh và cán cân thanh toán của Nga cũng đã điều chỉnh. Đồng Rúp suy yếu, nhưng các bạn thấy đấy, cuộc sống ở đây vẫn tiếp diễn, và chúng tôi vẫn sống”, ông Siluanov phát biểu.

Ngoài để ngỏ khả năng giúp Hy Lạp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga còn tuyên bố Nga sẽ xem xét giúp đỡ tăng cường viện trợ cho Belarus - quốc gia mà ông Siluanov miêu tả là có quan hệ kinh tế mật thiết với Nga. Hôm qua, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cảnh báo rằng nước này có thể sẽ phải cơ cấu lại gánh nặng nợ nần, và muốn xin sự giúp đỡ của Nga.

Ông Siluanov thừa nhận, biến động thời gian qua trên thị trường dầu đã góp phần quan trọng làm nền kinh tế Nga suy yếu. Theo vị Bộ trưởng này, giá dầu giảm và lệnh trừng phạt khiến kinh tế Nga thiệt hại tổng cộng khoảng 200 tỷ USD. Trong đó, lệnh trừng phạt khiến Nga mất mát khoảng 40-50 tỷ USD.

Đầu tuần này, tổ chức đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s cắt giảm điểm tín nhiệm của Nga về mức BB+, tức hạng không khuyến nghị đầu tư, hay còn gọi là hạng “rác” (junk). Đây là lần đầu tiên trong 1 thập kỷ, Nga bị hạ điểm tín nhiệm về mức “rác”.
 
Theo Diệp Vũ
VnEconomy
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”