Nga đối mặt nguy cơ suy thoái kinh tế cận kề

(Dân trí) - Nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế của Nga đang tăng cao do Moscow có thể đẩy mạnh các biện pháp trả đũa phương Tây trong bối cảnh căng thẳng ở miền Đông Ukraine leo thang.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.


Một cuộc khảo sát ý kiến chuyên gia do hãng tin Bloomberg tiến hành cho thấy, khả năng suy thoái kinh tế Nga trong vòng 12 tháng tới đã tăng lên mức 65% từ mức 50%, cao nhất kể từ khi Bloomberg tiến hành cuộc thăm dò đầu tiên về vấn đề này vào tháng 6/2012. Cuộc thăm dò mới nhất có sự tham gia của 26 nhà kinh tế học uy tín.

Trong đó, có 15 chuyên gia dự báo, Nga sẽ đưa ra thêm các hạn chế đối với hàng hóa phương Tây nhằm đáp trả lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Trong số này có 12 người nhận định, Nga sẽ áp các hạn chế mới đối với các mặt hàng xe hơi và hàng tiêu dùng.

Cuộc đối đầu Đông-Tây trong cuộc khủng hoảng Ukraine đang khiến nền kinh tế 2.000 tỷ USD của Nga đối mặt nhiều thách thức. Đồng Rúp suy yếu, lạm phát tăng và các dòng vốn ngoại chảy mạnh khỏi Nga do các nhà đầu tư lo ngại tác động của các lệnh trừng phạt lẫn nhau giữa hai bên. Sau khi Mỹ và EU trừng phạt các cá nhân và doanh nghiệp Nga, Moscow cũng cấm nhập khẩu một loạt mặt hàng thực phẩm từ phương Tây.

Từ đầu năm đến nay, giá trái phiếu chính phủ Nga đã giảm 11,23%, so với mức tăng 6,23% của chỉ số trái phiếu chính phủ các thị trường mới nổi Bloomberg Emerging Market Local Sovereign Index. Đồng Rúp cũng mất giá hơn 10% so với đồng USD kể từ đầu năm. Lượng vốn rút khỏi Nga trong năm nay được dự báo sẽ lên tới 100 tỷ USD.

Từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine nổ ra đến nay, Liên hiệp quốc ước tính đã có khoảng 2.000 người thiệt mạng. Kiev và phương Tây cho rằng, Nga tiếp tay cho các phần tử nổi dậy ở miền Đông Ukaine, trong khi Moscow tuyên bố, những cáo buộc như vậy là vô căn cứ và không đúng sự thật.

Hôm 26/8 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã có cuộc gặp ở Belarus để bàn cách hạ nhiệt cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, ngay sau cuộc gặp này, căng thẳng lại gia tăng mạnh. Hôm qua, Ukraine tố Nga đưa quân vào lãnh thổ nước này, và cáo buộc này một lần nữa bị Nga bác bỏ.

Kết quả một cuộc thăm dò khác do Bloomberg tiến hành cho thấy, kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 0,3% trong năm nay, giảm từ mức dự báo tăng 0,5% đưa ra hồi tháng trước. Các nhà phân tích cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Nga năm 2015 xuống 1,3% từ mức 1,6% trước đó.

Trong tuần này, Bộ Kinh tế Nga hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm tới xuống còn 1% từ mức 2% trong kịch bản cơ bản. Lý do cho việc cắt giảm này mà Bộ Kinh tế Nga đưa ra là lạm phát tăng tốc và ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt. Bộ này duy trì mức dự báo tăng trưởng kinh tế Nga năm nay ở 0,5%.

Tuy nhiên, tỷ lệ các chuyên gia tin phương Tây sẽ áp thêm lệnh trừng phạt lên Nga đã giảm xuống.

Trong cuộc thăm dò của Bloomberg, chỉ có 39% số chuyên gia được hỏi cho rằng EU có thể tiếp tục trừng phạt Moscow, giảm từ mức 48% đưa ra câu trả lời tương tự vào tháng trước. Số chuyên gia tin Mỹ sẽ tăng cường trừng phạt Nga là 54%, giảm từ mức 79% vào tháng trước. Trong đó, các lĩnh vực được dự báo mà phương Tây tập trung trừng phạt vẫn sẽ là các ngành tài chính, năng lượng và quốc phòng của Nga.

Mặc dù vậy, đa phần các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát ý kiến tin rằng Tổng thống Putin sẽ có các biện pháp trả đũa kinh tế mạnh mẽ hơn đối với Mỹ và EU. Các biện pháp này có thể bao gồm cấm bay và hạn chế hoạt động du lịch.

Phương Anh
Theo Bloomberg