Nga cấm xuất khẩu xăng, giá dầu thế giới thiết lập kỷ lục mới
(Dân trí) - Giá dầu toàn cầu tăng cao và có thể vượt mức 100 USD/thùng do lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel và xăng của Nga làm dấy lên lo ngại về nguồn cung nhiên liệu bị thắt chặt.
Nhiều nhà phân tích nhận định giá dầu thô tại thị trường Mỹ và các thị trường quốc tế sẽ tăng lên vượt mức 100 USD/thùng.
Theo chuyên gia phân tích Fawad Razaqzada, giá dầu Brent đã vượt mức 95 USD/thùng và có thể hướng đến mức 100 USD/thùng nếu Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước liên minh tiếp tục thắt chặt nguồn cung.
Các hợp đồng dầu đã vọt hơn 10% trong 3 tuần trước đó do lo ngại về nguồn cung khan hiếm. Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cảnh báo về việc sẽ tiếp tục tăng lãi suất ngay cả sau khi quyết định giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tuần này.
Giá xăng bán buôn của Nga đã giảm gần 10% và giá dầu diesel mất 7,5% trong phiên giao dịch cuối tuần trước trên sàn giao dịch hàng hóa quốc tế Petersburg.
Mới đây, Chính phủ Nga đưa ra lệnh cấm tạm thời việc xuất khẩu dầu diesel và xăng nhằm ổn định thị trường nhiên liệu trong nước trong thời điểm thu hoạch lúa mỳ.
Tuyên bố của Chính phủ Nga cho biết: "Các hạn chế tạm thời sẽ giúp bão hòa thị trường nhiên liệu, từ đó sẽ giảm giá cho người tiêu dùng trong nước". Theo Bộ Năng lượng Nga, bước đi này cũng sẽ ngăn chặn việc xuất khẩu nhiên liệu động cơ trái phép.
Nga là một trong những quốc gia xuất khẩu dầu diesel và xăng bằng đường biển lớn nhất thế giới. Lệnh cấm được thực hiện sau khi lượng xuất khẩu giảm vào đầu tháng này, kéo giá dầu diesel tại châu Âu tăng.
Giá dầu toàn cầu đã tăng vọt trước đó được cho là do lo ngại về nguồn cung thắt chặt khi OPEC+ duy trì cắt giảm sản lượng dầu.
Mặt khác, chia sẻ với CNBC, thống đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Michelle Bowman cũng cho biết: "Lạm phát vẫn còn quá cao, và tôi cho rằng là thích hợp để Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) nâng lãi suất thêm nữa và giữ chúng ở mức hạn chế trong một thời gian".
Các chuyên gia cho rằng lãi suất cao hơn làm tăng chi phí đi vay, điều này có thể làm trì trệ tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu dầu. Trong khi đó, lệnh cấm tạm thời xuất khẩu xăng và dầu diesel của Nga sang hầu hết các quốc gia được cho là sẽ khiến nguồn cung khan hiếm.
Theo ông Edward Gardner, chuyên gia tại công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics, lệnh cấm có thể được duy trì trong ít nhất 1 tháng cho đến khi vụ thu hoạch kết thúc.
Tuy nhiên, ông cho rằng lệnh cấm của Nga sẽ vẫn hỗ trợ giá dầu trong thời gian được thực hiện, khi chênh lệch giữa giá dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ khai thác từ đó sẽ khuyến khích các nhà máy lọc dầu của các nước khác tăng chế biến dầu thô.