Nga cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Việc thiếu nhiên liệu vài tháng gần đây khiến Nga phải cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel để ổn định thị trường nhiên liệu nội địa.

Ngày 21/9, Chính phủ Nga ban hành lệnh cấm tạm thời việc bán xăng và dầu diesel sang tất cả các nước, trừ 4 quốc gia thuộc Liên minh Kinh tế Á - Âu gồm Belarus, Kazakhstan, Armenia and Kyrgyzstan. Lệnh cấm này có hiệu lực ngay lập tức, nhằm bình ổn thị trường trong nước.

"Các hạn chế xuất khẩu tạm thời sẽ giúp bão hòa thị trường nhiên liệu trong nước, từ đó sẽ giảm giá cho người tiêu dùng", thông báo nhấn mạnh.

Bộ Năng lượng Nga cũng khẳng định biện pháp này sẽ ngăn việc xuất khẩu bất hợp pháp nhiên liệu xe máy.

Những tháng gần đây, Nga rơi vào tình trạng thiếu xăng và dầu diesel. Giá nhiên liệu bán buôn trong nước tăng vọt, dù giá bán lẻ bị giới hạn dưới mức trần để kiểm soát lạm phát. Việc này khiến nhiều vùng trồng lúa mỳ của Nga chịu ảnh hưởng, do cần nhiên liệu để thu hoạch.

Nga cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel - 1

Nga tuyên bố tạm thời cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel nhằm ổn định thị trường nhiên liệu nội địa (Ảnh: Reuters).

Các thương nhân cho biết, thị trường nhiên liệu của Nga bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bao gồm hoạt động bảo trì tại các nhà máy lọc dầu, tắc nghẽn đường sắt và hoạt động xuất khẩu gia tăng khi đồng rúp mất giá.

Trước đó, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho rằng việc giá bán buôn tăng cao là do giá các sản phẩm từ dầu trên thị trường quốc tế tăng. Một nguyên nhân khác là rúp yếu đi so với USD.

Theo các thương nhân và dữ liệu của LSEG, Nga đã cắt giảm xuất khẩu xăng và dầu diesel của Nga qua đường biển giảm gần 30% xuống 1,87 triệu tấn. Năm ngoái, Nga xuất khẩu tổng cộng 4,82 triệu tấn xăng và gần 35 triệu tấn dầu diesel.

Động thái cấm xuất khẩu nhiên liệu của Nga diễn ra giữa lúc giá dầu thô trên thị trường quốc tế đang tăng đến ngưỡng 100 USD/thùng. Nước này vài tháng qua cũng hạn chế xuất khẩu 300.000 thùng dầu thô mỗi ngày. Chính sách này sẽ kéo dài đến cuối năm, nhằm siết nguồn cung và hỗ trợ giá dầu toàn cầu.

Theo Reuters, Financial Times