1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Nếu nhập xăng từ Malaysia với giá 13.000 đồng/lít, nên bán thế nào?

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng có thể tận dụng để bình ổn giá xăng dầu trong nước nếu như có các nguồn nhập khẩu giá ưu đãi.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 3/6, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đề cập đến vấn đề bình ổn giá xăng dầu trong bối cảnh mặt hàng này đang tăng rất "nóng".

Hiện có thông tin tại hội thảo "Xúc tiến xuất khẩu với thị trường Malaysia và các nước Hồi giáo" tổ chức tại TPHCM, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia cho biết giá xăng tại Việt Nam là 31.573 đồng/lít, trong khi xăng RON 95 tại Malaysia được chính phủ trợ giá cho người dân là 13.000 đồng/lít. Chính phủ quốc gia này đã đồng ý xuất sang Việt Nam 300.000 lít xăng.

Malaysia đang muốn bán sang Việt Nam một lượng xăng dầu với giá 13.000 đồng/lít, là xăng trợ giá cho người dân. Theo ông, đây có phải là cơ hội tốt để chúng ta tăng nguồn cung giá rẻ?

- Tôi nghĩ rằng việc bình ổn giá xăng dầu qua nhiều phương thức, trong đó có tăng nguồn cung. Còn việc giảm thuế phí là biện pháp tức thời, phải điều chỉnh nhanh, giảm các phần cấu thành chi phí trong giá bán xăng dầu.

Nếu nhập xăng từ Malaysia với giá 13.000 đồng/lít, nên bán thế nào? - 1

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đề cập đến vấn đề bình ổn giá xăng dầu (Ảnh: QH).

Còn điều chỉnh nguồn cung là vấn đề rất cơ bản, khi có nguồn cung trong nước và chủ động khai thác từ các nhà máy lọc hóa dầu, tăng nguồn dự trữ để có lượng dự trữ đủ lớn, không bị ảnh hưởng bởi biến động từ bên ngoài là cần thiết. 

Vì thế, nếu như có các nguồn nhập khẩu với mức giá phù hợp thì đó là biện pháp đảm bảo nguồn cung. Không có lý do gì khi giá xăng dầu trong nước cao mà chúng ta có nguồn nhập khẩu với giá ưu đãi mà lại không tính đến phần đó.

Trường hợp nếu mua được mặt hàng này với giá như vậy thì nên chăng ưu tiên sử dụng cho nhóm đối tượng yếu thế, dễ tổn thương như người nghèo, thu nhập thấp, thưa ông?

- Chúng ta có chính sách điều hành giá xăng dầu riêng, không áp dụng rập khuôn theo chính sách các nước.

Như với lô hàng giá rẻ nhập về, cũng phải hòa chung với nguồn trong nước và không thể tách riêng lô hàng đó để bán theo giá thấp, vì không thể khả thi, thậm chí gây ra yếu tố bất bình đẳng, trục lợi. 

Dù chúng ta có nhận được hàng trợ giá, kể cả những hàng cho không thì vẫn phải thực hiện việc điều hành chung. 

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa qua đã trả lời báo chí rằng việc ép giá xăng dầu đầu vào xuống quá thấp có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế, đối diện với những vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp… Ông nghĩa sao về vấn đề này?

- Nếu chúng ta can thiệp bằng những biện pháp hành chính hoặc đưa ra các trợ cấp để ép giá xăng dầu xuống thấp thì hoàn toàn có thể rơi vào việc bị kiện chống bán phá giá. Còn nếu chúng ta dùng các biện pháp thị trường một cách sòng phẳng để giảm giá xăng dầu, thì không có cơ sở nào để các nước kiện chúng ta.

Chẳng hạn như những cam kết về cắt giảm thuế nhập khẩu, chúng ta hoàn toàn có quyền được cắt giảm, hoặc những vấn đề thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt… Vì đây là quyền của chúng ta. Còn trợ giá như một số nước thì sẽ vi phạm yếu tố cạnh tranh.

Mức thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng nên giảm ở mức bao nhiêu thì hợp lý?

- Thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế có vai trò điều tiết hành vi tiêu dùng, hạn chế dùng những sản phẩm không khuyến khích.

Đơn cử với xăng dầu, chúng ta có thể dùng các xăng sinh học nhiều hơn là các xăng hóa thạch, hoặc thậm chí chuyển phương án không sử dụng xăng dầu mà dùng năng lượng khác, tiết kiệm xăng dầu.

Trong hoàn cảnh giá xăng dầu tăng lên quá cao, tác động lan tỏa, đẩy các loại hàng hóa khác tăng lên, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân một cách đột ngột, ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế, ảnh hưởng đến bình ổn kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát thì chúng ta buộc phải sử dụng công cụ thay đổi chi phí cấu thành trong giá bán như các sắc thuế.

Còn điều chỉnh bao nhiêu cần phải tính toán rất rõ, và với mức điều chỉnh như vậy thì tác động đến lựa chọn hành vi sẽ thế nào, gây hệ lụy ra sao, buôn lậu xăng dầu. Vì vậy, tôi cho rằng giảm là cần thiết, còn mức giảm thế nào thì phải tính toán, đánh giá.

Việc thay đổi giá xăng dầu trên thế giới, không diễn ra từ từ, khó dự báo dài hạn hay ngắn hạn, nên thời hạn giảm bao lâu cần thay đổi linh hoạt.

Vì vậy, cần có cơ chế giao quyền cho Chính phủ trong một khung điều chỉnh, điều chỉnh ngày hôm nay, tháng này thay đổi mức thuế như thế này, nhưng tháng sau có thể thay đổi khác, tùy theo chính sách điều hành linh hoạt của Chính phủ.

Vấn đề dự trữ xăng dầu quốc gia thì sao, thưa ông?

- Việc tăng dự trữ quốc gia là cần thiết nhưng phải xem ngân sách Nhà nước có đảm bảo, nên phải có sự kết hợp hài hòa giữa dự trữ quốc gia với dự trữ của doanh nghiệp.

Dự trữ doanh nghiệp không phải là mua xăng dầu về kho, mà dự trữ qua hợp đồng mua bán trước, đấy là biện pháp rất phổ biến.

Chúng ta cần phải có khuôn khổ pháp lý cho việc này, mặc dù hiện nay cho phép các công ty kinh doanh xăng dầu được quyền mua bán theo hợp đồng, nhưng vẫn chưa thực hiện.

Xin cám ơn ông!