Trước giờ xăng dự báo vượt 31.000 đồng/lít, đại biểu nói điều rất trăn trở

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại giá xăng tăng quá cao gây tác động lên lạm phát, đề nghị xem xét tiếp tục hạ thuế phí để hạ nhiệt thị trường này.

Đề xuất tiếp tục hạ thuế phí

Chiều nay (1/6), Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Theo dự báo, giá xăng trong nước sẽ tiếp tục tăng lần thứ 5 liên tiếp. Nếu mức tăng tương ứng với mức lỗ hiện nay, xăng RON 95 sẽ vượt mốc 31.000 đồng/lít.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội - cho biết, giá xăng dầu tăng theo biến động thế giới. Ông nhấn mạnh, giá tăng cao kỷ lục như thời gian qua thì cả người dân, nền kinh tế đều chịu ảnh hưởng nặng nề. Mục tiêu kiểm soát lạm phát rất khó khăn.

Do vậy, làm thế nào kiểm soát, hạn chế giá xăng tăng cao để ổn định đời sống người dân và thực hiện vai trò điều hành vĩ mô của Nhà nước, ông Cường cho rằng, dư địa giảm giá vẫn còn. "Chúng ta nhập khẩu vào cao thì đội giá trong nước, chỉ còn cách cắt bớt thuế phí", ông Cường đề xuất.

Trước giờ xăng dự báo vượt 31.000 đồng/lít, đại biểu nói điều rất trăn trở - 1

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội đề xuất tiếp tục hạ thuế phí để hạ giá xăng dầu (Ảnh: Quốc Chính).

Cũng theo đại biểu này, việc giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhưng vẫn phải chấp nhận, để đem lại "ý nghĩa cao hơn".

Câu hỏi là nên tiếp tục hạ thuế bảo vệ môi trường hay giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)? Về vấn đề này, theo ông Cường, cơ sở tính thuế của hai loại thuế này khác nhau, mức giảm từ đó khác nhau, do vậy cần được tính toán cân nhắc.

Tuy nhiên, ông Cường lưu ý, việc giảm thuế TTĐB cần được tính toán làm sao để vẫn đánh vào hành vi người dùng, bởi xăng sinh học và xăng khoáng có mức đánh thuế khác nhau.

Trong bối cảnh hiện nay, ngoài vấn đề về điều hành giá cả, đại biểu Quốc hội cũng lưu ý đến yếu tố nguồn cung. "Tôi cho rằng nguồn cung là quan trọng nhất, làm sao để không quá bị biến động", ông Cường nhấn mạnh.

Nguồn cung ở đây có hai nguồn cần được tính đến đó là nguồn nhập khẩu và nội địa, theo đại biểu. Việt Nam vốn cũng có nhà máy lọc hóa dầu, trong lúc giá dầu tăng cao như vậy cần hoạt động hết công suất, tăng hiệu quả khai thác dầu và chủ động nguồn cung.

Ngoài ra, ông cũng băn khoăn về vấn đề dự trữ xăng dầu hiện nay, bởi chúng ta chủ yếu chỉ đảm bảo không đứt gãy nguồn cung. "Người ta phấn đấu mức dự trữ quốc gia cao hơn để phòng ngừa rủi ro về giá. Do đó, cần có nguồn dự trữ rủi ro khi có biến động về giá", ông Cường kiến nghị.

Kiểm soát được đà tăng giá xăng mới kiểm soát được lạm phát

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm cũng cho rằng việc kiểm soát giá xăng dầu là nội dung đặc biệt quan trọng mà Chính phủ, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần quan tâm trong bối cảnh hiện nay. Kiểm soát được đà tăng của giá xăng dầu thì mới kiểm soát được lạm phát, chỉ số CPI bởi đây là mặt hàng nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế.

"Mặt hàng xăng dầu, mặc dù điều hành theo cơ chế thị trường, nhưng không có nghĩa giá thế giới lên một thì giá trong nước cũng lên một. Bộ Công Thương phải cố gắng điều hành xăng dầu làm sao để giá có biên độ dao động nhỏ, đảm bảo ổn định cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và trong phạm vi kiểm soát lạm phát dưới 4%", ông Lâm nói.

Để "hạ nhiệt" giá xăng, ông Lâm cho biết chúng ta có các công cụ, đó là quỹ bình ổn xăng dầu, thuế phí. Công cụ nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Công Thương giải quyết được thì cần làm ngay, còn nếu vượt quá thẩm quyền của Chính phủ cũng cần sớm tham mưu, kiến nghị, đề nghị các cấp có thẩm quyền cho ý kiến, quyết định.

Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý, chúng ta kiểm soát giá xăng dầu không có nghĩa để giá xăng dầu ở mức quá thấp. Vì nếu chênh lệch quá lớn giữa giá xăng dầu trong nước và giá xăng dầu thế giới sẽ tạo điều kiện cho buôn lậu xăng dầu.

Về dài hạn, giá xăng dầu có tiếp tục tăng, thiết lập các kỷ lục mới thì cũng là chuyện khó tránh song theo đại biểu Lâm, nếu như vượt quá mục tiêu kiểm soát lạm phát, ảnh hưởng đến nền kinh tế thì lúc bấy giờ cần có các giải pháp cần thiết.

Đại biểu này cũng cho rằng, dự trữ quốc gia của chúng ta về xăng dầu rất yếu. "Vấn đề này, chúng tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương. Hiện nay, dự trữ xăng dầu quốc gia bị trộn lẫn với dự trữ của doanh nghiệp; không có kho riêng của quốc gia về dự trữ xăng dầu, đó là yếu tố không thật sự an toàn", ông Lâm băn khoăn.

Cũng theo đại biểu, hiện nay, tỉ lệ dự trữ xăng dầu của chúng ta chỉ có vài tuần, tới đây cần tăng cường nguồn dự trữ lên. Bộ Công Thương cũng đã đề cập đến vấn đề này, tuy nhiên, có một vấn đề khó là ngân sách của chúng ta hạn hẹp, nhiều khoản cần phải chi, nên cũng cần tính toán kỹ lưỡng. Nhưng dù thế nào cũng cần phải dự trữ xăng dầu quốc gia thì mới đảm bảo an toàn.