1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Nếu bỏ trích lập quỹ bình ổn, giá xăng có thể xuống dưới 10.000 đồng/lít?

Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới giảm sâu, giá xăng trong nước được đánh giá không bắt kịp với thế giới do đang phải gánh nhiều loại phí, thuế và có sự can thiệp của quỹ bình ổn xăng dầu.

Nếu bỏ trích lập quỹ bình ổn, giá xăng có thể xuống dưới 10.000 đồng/lít? - 1

Nếu bỏ trích lập quỹ bình ổn, giá xăng có thể xuống dưới 10.000 đồng/lít?

Giá xăng dầu thế giới đang trong giai đoạn thấp kỷ lục. Thậm chí hôm 20.4, giá dầu thế giới còn giảm xuống mức âm, khi người bán phải trả tiền để người mua mang dầu đi. 

Dù giảm nhưng giá xăng dầu trong nước được đánh giá không giảm tương xứng với thế giới. Giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh theo chu kỳ 15 ngày và có sự can thiệp của quỹ bình ổn xăng dầu.

Theo PGS.TS Bùi Xuân Hồi, Giảng viên cao cấp, Bộ môn Kinh tế năng lượng, ĐH Bách Khoa Hà Nội, giá xăng dầu trong nước có sự điều hành của Nhà nước nhằm đảm bảo sự cân đối giữa lợi ích của người kinh doanh xăng dầu, lợi ích của người tiêu dùng, cũng như mục đích phát triển kinh tế của đất nước.

Trong điều kiện như hiện nay, khi giá xuống thấp, nếu nhà nước mong muốn tiếp tục kích cầu để đẩy kinh tế quay trở lại, phương án dừng trích lập quỹ bình ổn xăng dầu, giảm bớt một số loại thuế phí sẽ tạo cơ hội để chúng ta tiêu dùng giá xăng dầu ở mức thấp hơn. Chuyên gia này dự đoán giá xăng có thể xuống mức 7.000 - 8.000 đồng/lít, nếu dừng trích quỹ bình ổn và bỏ 1 số loại phí, thuế. 

Đương nhiên ngoài quỹ bình ổn xăng dầu, mỗi lít xăng còn đang gánh nhiều loại phí và thuế ở đó.

Tại kỳ điều gần đây nhất (13.4), liên bộ đã thực hiện trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu đối với xăng E5RON92 ở mức 400 đồng/lít; xăng RON95, dầu hỏa và dầu diesel ở mức 1.400 đồng/lít; dầu mazut trích lập ở mức 200 đồng/kg.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu trong nước còn chịu nhiều loại thuế phí theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng… 

Tổng các loại phí, thuế, trích lập quỹ bình ổn đang chiếm khoảng hơn 66% giá bán lẻ xăng E5 và chiếm khoảng 72% giá bán lẻ xăng RON95.

PGS.TS Bùi Xuân Hồi nhấn mạnh, việc trích lập quỹ bình ổn là sự cân đối khó khăn, có thể đơn vị điều hành xăng dầu không muốn mạo hiểm khi dừng trích quỹ bình ổn. Khi giá thị trường quốc tế xuống sâu là cơ hội để thực hiện trích lập quỹ bình ổn để khi giá xăng dầu thế giới tăng cao thì cơ quan quản lý sẽ chi quỹ bình ổn nhằm ổn định thị trường trong nước. 

"Tuy nhiên, trong điều kiện, giá xăng dầu thế giới tụt giảm sâu và còn kéo dài thì tiếp tục trích lập quỹ bình ổn là điều nên cân đối", PGS.TS Bùi Xuân Hồi nói. 

Trước đó, cũng đã có rất nhiều kiến nghị từ các chuyên gia và Hiệp hội về việc nên bỏ quỹ bình ổn xăng đầu để giá xăng dầu trong nước vận hành theo cơ chế thị trường.

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, việc trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu theo quy định tại Nghị định 83 điều hành xăng dầu đang khiến "người tiêu dùng chịu thiệt hơn là lợi". 

Theo Hiệp hội, việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu mang đậm tính can thiệp hành chính, làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu.

Ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP Hà Nội cũng cho rằng, nên để xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường. Theo ông, các doanh nghiệp vận tải đang chịu tác động rất nhiều từ giá xăng, cũng như cách điều hành có phần giật cục của liên bộ như hiện nay.

Theo Thiên Bình

Lao động