1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nên từ chối vay vốn ODA nếu không có lợi!

(Dân trí) - Ngay khi ký kết nhận ODA của một nước tài trợ cho chúng ta, chúng ta cần cân nhắc lựa chọn. Chúng ta có thể từ chối ODA nếu không có lợi, chứ phải cứ nhận tất cả.

Sáng 7/8, tại Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo “Đánh giá 20 năm huy động và sử dụng ODA của Việt Nam” do Ban kinh tế Trung ương phối hợp với Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam tổ chức. Hội thảo có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương.

img-0562-0f091
Quang cảnh hội thảo 

Việt Nam tiếp tục là nước sử dụng nguồn vốn ODA tốt

Theo báo cáo tại hội thảo, nguồn vốn ODA tại Việt Nam được thực hiện dưới 3 hình thức chủ yếu gồm ODA viện trợ không hoàn lại chiếm khoảng 10 – 12%, ODA vay ưu đãi chiếm khoảng 80% và ODA hỗn hợp chiếm khoảng 8 – 10%. Lũy kế từ năm 1993 đến năm 2014, tổng giá trị vốn ODA cam kết cho Việt Nam đã lên đến 89,5% tỷ USD, tổng vốn đã ký kết đạt 73,68 tỷ USD, bình quân 3,5 tỷ USD/năm, vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân đạt 53,89%, chiếm trên 73,2% tổng vốn ODA đã ký lết.

Hiệu quả sử dụng ODA cũng được các nhà tài trợ đánh giá tích cực, Việt Nam tiếp tục là nước sử dụng nguồn vốn ODA tốt. Khoảng 80 tỷ USD mà các nhà tài trợ đã cam kết dành cho Việt Nam trong 20 năm qua không những mang đến cho Việt Nam nguồn vốn bổ sung quan trọng phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng hạ tầng đào tạo phát triển nguồn nhân lực…

Theo GS.TS Vương Đình Huệ, Trưởng Ban kinh tế trung ương, trong hơn 20 năm qua, chủ trương của Đảng và Nhà Nước về thu hút các nguồn vốn ODA hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo đã được khẳng định và nhấn mạnh trong các nghị quyết. Với những kết quả đạt được, Việt Nam được đánh giá là một mô hình thành công trong huy động và sử dụng ODA.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật, công tác thu hút, quản lý và sử dụng ODA trong thời gian qua còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém như: năng lực hấp thụ ODA của quốc gia, ngành, địa phương và những dự án cụ thể còn hạn chế, tỷ lệ giải ngân ODA so với nguồn vốn ODA đã ký còn rất thấp, tính chung mới đạt khoảng 63%. Thiết kế một số chương trình, dự án ODA chưa sát với thực tế. Hiệu quả sử dụng đầu tư công nói chung, ODA nói riêng còn thấp. Đây cũng là một trong các nguyên nhân tác động đến tính bền vững và an toàn của nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia. Công tác quản lý ODA còn bất cập, còn có những sai phạm về vi phạm các quy định ODA của Chính phủ và nhà tài trợ…

Phát biểu tại hội thảo, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết: Việt Nam đã trải qua 30 năm đổi mới trong đó 20 năm nhận được sự hỗ trợ của các quốc gia, các tổ chức thông qua các hình thức trong đó có hỗ trợ phát triển ODA.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại hội thảo

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại hội thảo

Lượng vốn ODA qua 20 năm cam kết chiếm trên 10% tổng nguồn vốn của xã hội đã đóng góp tích cực vào đầu tư phát triển cho Việt Nam, nhất là các lĩnh vực quan trọng như giao thông, điện lực, thủy lợi, cơ sở hạ tầng đô thị, y tế, giáo dục, ứng phó biến đổi khí hậu…

Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng tôi còn thấy một số hạn chế: tiến độ giải ngân ODA còn chậm (có nghĩa là hiệu quả sử dụng vốn còn thấp), khuôn khổ thể chế, sử dụng ODA đã được cải thiện nhưng còn rườm rà. Năng lực quản lý dự án chưa theo kịp yêu cầu cao của trong nước và quốc tế.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng cường kiểm tra, giám sát để nguồn vốn ODA được sử dụng hiệu quả và tránh lãng phí. Bởi đâu đó còn một vài chỗ sử dụng chưa hiệu quả, còn tiêu cực.

“ODA thời bao cấp”

Theo tiến sĩ Nguyễn Thành Đô – Nguyên cục trưởng Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài Chính): Đến nay Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình. Trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ không còn được nhận nguồn ODA dồi dào như trước. Vì vậy, việc nhìn nhận, đánh giá lại thành công, thất bại trong việc sử dụng nguồn vốn này để rút những bài học luôn rất cần thiết, nhất là giai đoạn tới đây Việt Nam phải tiếp cận, huy động các nguồn vốn đắt hơn với các điều kiện khắt khe hơn.

Tiến sĩ Đô cho biết, đã có những chương trình, dự án ODA hoặc thất bại hoàn toàn hoặc không có hiệu quả như mong muốn, điển hình như: dự án trích dầu cám ở Bến Tre, dự án dây chuyền dệt bao đay ở TPHCM vay vốn ODA Ấn Độ, vì công nghệ lạc hậu, không có nguyên liệu và không có nơi tiêu thụ sản phẩm nên sau khi bàn giao hoàn toàn không vận hành được.

Hay như Dự án nhà máy thủy sản đông lạnh Hạ Long, vay vốn ODA Italia, không hoạt động do thiếu nguyên liệu. Chương trình phát triển dâu tằm ở Lâm Đồng, vay vốn ODA Italia, thất bại do sản phẩm không cạnh tranh được trên thị trường. Nhà máy động cơ xăng nhỏ, dự án dầm thép khẩu độ lớn, vay vốn ODA Pháp, dự án tàu hút bụng tự hành, vay vốn ODA Đức cũng không hiệu quả do sản phẩm không thích hợp với thị trường. Dự án cấp nước sạch ở Kon Tum, Yên Bái, vay ODA của Pháp, không hiệu quả vì sử dụng được 1/3 công suất thiết kế. Chương trình trồng bông, trồng cà phê Arabica, vay vốn ODA Pháp, thất bại do không nghiên cứu kỹ quy hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kém...

Có thể thấy các dự án thất bại nói trên đều là các dự án ODA thực hiện theo cơ chế vay về cho vay lại. Theo cơ chế này, khi dự án không trả được nợ chúng ta thấy rõ và thừa nhận đó là dự án thất bại. Tuy nhiên, trong số các dự án ODA có tới 70% dự án là các dự án thực hiện theo cơ chế cấp phát từ ngân sách. Đối với các dự án này, hầu như chưa có đánh giá về mặt thất bại, trừ một vài dự án có phát hiện ra một số sai sót hoặc biểu hiện tiêu cực.

“Trong quan niệm một số cơ quan thụ hưởng ODA cả trung ương lẫn địa phương vẫn còn vương vấn “ODA thời bao cấp”, coi “ODA không hoàn lại là Chính phủ cho, ODA vốn vay là Chính phủ trả nợ”. Hậu quả của quan niệm sai lệch này là ra sức tranh thủ nguồn vốn ODA mà không tính hiệu quả kinh tế, tính bền vững sau dự án và khả năng trả nợ”, tiến sĩ Nguyễn Thành Đô chỉ ra một trong những tồn tại.

Nên từ chối vay vốn ODA nếu không có lợi! - 3

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung Ương ông Vương Đình Huệ, Việt Nam được đánh giá là một mô hình thành công trong huy động và sử dụng ODA.

Cần có cơ chế giám sát ODA

Theo tiến sĩ khoa học Võ Đại Lược, chúng ta cần có một cơ chế kiểm tra, giám sát, minh bạch, công khai các dự án ODA. Ngay khi ký kết nhận ODA của một nước tài trợ cho chúng ta, chúng ta cần cân nhắc lựa chọn. Chúng ta có thể từ chối ODA nếu không có lợi, chứ phải cứ nhận tất cả. Bởi khi tài trợ ODA, họ nắm quyền thiết kế, nắm quyền thi công và cả cung cấp những thiết bị. Như vậy thì ai sẽ kiểm soát. Tôi cho rằng, chúng ta phải có một cơ chế giám sát. Đặc biệt chúng ta bây giờ ODA còn ít cho nên cần phải có quy hoạch. Từ đây đến năm 2020, cái gì thì dùng ODA. Bây giờ các địa phương, các nơi đều tranh thủ ODA cho nên phải có quy hoạch, phải tự cân bằng.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, Việt Nam cần có quy hoạch dài hạn để tiến tới phát triển thị trường vốn dài hạn bảo đảm nguồn cung cấp vốn, tài chính, không còn quá phụ thuộc vào vốn ODA. Một trong những vấn đề để Việt Nam phụ thuộc và rất cần vốn ODA của nước ngoài là khi nguồn vốn dài hạn của Việt Nam kém phát triển. Cho nên tôi đề nghị cái này cần có một đề án phát triển dài hạn. Và nghĩ đến một tương lai xa hơn là đến lúc Việt Nam trở thành một nước cung cấp ODA để giúp các nước khác.

Chúng ta cũng cần xem xét lại các quy trình của chúng ta, bởi vì các địa phương khi tôi gặp đều nói thẳng, cơ chế xin cho vẫn nặng nề: “Em đi có thì về có. Em đi không thì về không”. Không hiểu là họ nói thế nào. Vì thế cần phải có sự giải trình, công khai, minh bạch rõ ràng để khắc phục cơ chế xin cho. Về mặt này, cần nâng cao vai trò giám sát của quốc hội và sự giám sát của cộng đồng. Hiện nay, cộng đồng và các tổ chức có thể đóng góp trong việc cung cấp thông tin, giám sát các sự kiện và đánh giá việc thực hiện vốn ODA. Phải có chương trình giám sát, khắc phục tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi, giao cho một công ty làm tất cả. Như vậy là chúng ta bỏ mặc quyền giám sát.

Khánh Hồng

Nên từ chối vay vốn ODA nếu không có lợi! - 4

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm