Né đại chiến giá xe, chủ xe cũ rời phố về quê lập nghiệp

(Dân trí) - Rất nhiều đại lý tại Hà Nội thay vì mở rộng showroom, thuê thêm người làm đã quyết định thu hẹp hoạt động để về các tỉnh lẻ, địa bàn đang có một bộ phận người giàu lên khá nhanh và thị trường xe kinh doanh, xe gia đình ngày càng phát triển.

Rời Thủ đô về tỉnh lẻ: "Tái ông thất mã"

Theo lời kể của anh Hoàng, chủ đại lý kinh doanh xe cũ tại Hà Nội, trước năm 2016 anh có tổng cộng 6 gara ô tô xe cũ, 1 gara xe nhập và 1 cơ sở sửa chữa rải đều ở Gia Lâm, Phạm Hùng (Nam Từ Liêm) và Hà Đông. Anh thuộc dân kinh doanh không phải tay vừa khi sở hữu lượng xe lên tới hàng trăm tỷ đồng một lúc.

Nhiều chủ xe cũ hối hả về quê xây dựng đại lý bán xe do nhu cầu người dân tại các tỉnh, huyện đang tăng cao; đồng thời để tránh cuộc giành giật khách hàng của xe mới giảm giá.
Nhiều chủ xe cũ hối hả về quê xây dựng đại lý bán xe do nhu cầu người dân tại các tỉnh, huyện đang tăng cao; đồng thời để tránh cuộc giành giật khách hàng của xe mới giảm giá.

Tuy nhiên, thời điểm đầu năm 2017, nhận thấy kinh doanh xe cũ khó khăn, anh cùng gia đình buộc phải thu hẹp 3 gara nhỏ bán xe cũ, gara xe nhập còn lại chỉ duy trì bán hết hàng chứ không nhập thêm, đồng thời mở thêm 2 xưởng sửa chữa xe hơi.

"Tình hình kinh doanh hiện nay 3 gara xe cũ khá èo uột, mặc dù từ tháng 9/2017 tôi đã hủy làm xe nhập, để dành toàn bộ vốn gia đình kinh doanh xe cũ song đến thời điểm này chỉ 1 showroom có lãi, hai cái kia "chết lâm sàng" vì khó đẩy xe", anh Hoàng cho biết.

Theo anh Hoàng, kinh doanh xe cũ đối với người chơi mới không hề đơn giản, về số vốn ít ra phải có chục tỷ trong tay, cộng với số tiền đi vay ngân hàng gấp đôi chừng ấy. Bản thân anh đã cắm 3 chiếc nhà để vay làm ăn từ năm 2004 nhưng phát đạt chỉ được 3 năm tròn, ngoài ra những năm tiếp theo do chịu lãi nên đã vắt kiệt sức, làm đủ mọi cách để không nợ xấu, thâm hụt tài sản.

"Nếu không căn cơ thì gánh nặng nợ luôn thường trực, có người thâm niên 10 năm vẫn gán nhà trả nợ, bán xe để thu hồi vốn, trốn nợ người thân, thậm chí tán gia, bại sản vì xe", anh Hoàng kể.

Vị doanh nghiệp bạc 2/3 số tóc nói: "Trước đây, anh em thường kinh doanh xe cũ nhập còn được xem là xe chạy lướt, đây là dòng rất được nhiều người chơi xe yêu thích vì xe như mới, chỉ chạy lướt để lách luật về Việt nam. Với loại này nhập về nhiều, bán cũng khá lãi, song đến nay bị siết hoàn toàn, không còn cửa nhập về được. Các đại lý phải xoay ra buôn xe cũ trong nước nên vừa mất hoàn toàn khách "sộp" nói trên vừa phải làm lại thị trường, tiếp cận khách hàng khác", anh Hoàng cho hay.

Giống với anh Hoàng, nhưng chủ của 2 đại lý kinh doanh xe hơi tại Hà Nội cũng sớm tính đến chuyện về quê lập nghiệp, ông Nguyễn Việt Phong quê tại Hưng Hà, Thái Bình sau hơn 10 năm nếm mật nằm gai với kinh doanh xe hơi cũ đã quyết định chọn Hải Dương làm địa bàn để kinh doanh xe cũ.

Nhu cầu xe kinh doanh, xe gia đình tại quê rất lớn

Mức thuê đại lý, nhà xưởng tại Hà Nội dao động khoảng 30 đến 50 triệu đồng/sàn 100 m2/tháng. Những chỗ rẻ hơn có thể từ 20 - 30 triệu đồng/100 m2/tháng. Mức đó cũng đủ khiến các đại lý đau đầu rồi.

Tại Hải Dương, ông Phong cho biết chi phí thuê tại tuyến phố trung tâm mất khoảng 10 đến 15 triệu đồng/sàn 100m2, thậm chí rộng 200 m2 cũng chỉ có giá như vậy. Ở các huyện thị thì chỗ trưng xe, sân bãi, chỗ đỗ xe cũng có mặt tiền rộng hơn so với tại các đô thị trung tâm.

Theo ông Phong, từ cuối năm 2016, ông còn duy trì 1 đại lý lớn tại Hà Nội song nay đã bỏ hẳn bởi đã có đủ khách ở địa phương và không còn phải duy trì đại lý trên Hà Nội để làm đầu mối nữa.

"Mới đầu lo ngại doanh số bán kém nên tôi duy trì đại lý trên Hà Nội để làm đầu mối, nhận và đưa hàng với khách quen hoặc liên kết với anh em cùng làm. Tuy nhiên, lượng khách tại quê nay cũng rất khá. Người tỉnh lẻ chuộng xe kinh doanh, xe gia đình nên những mẫu xe cũ giá từ 300 đến 500 triệu đồng bán khá suôn sẻ, tất nhiên là mức lãi của mình không được cao", ông Phong cho biết.

Theo ông Phong, một đặc điểm khi về địa phương kinh doanh là họ chấp nhận rất nhiều loại xe máy dầu, xe 7 chỗ vì kinh doanh được, nên các dòng xe như Ford Everest, Hyundai SantaFe máy dầu, Innova bán rất chạy hay các dòng xe sedan, hatchback cũ như Vios, Kia Morning, Hyundai i10, hay các dòng xe mới hơn như K3, Altis, City cũng rất được ưa chuộng.

"Kể ra có lực thì kinh doanh xe ở các thị trường lớn như Hà Nội là ổn nhất vì lượng người mua xe đông. Tuy nhiên, khi giá xe mới rẻ đi thì với số tiền đó dân sẽ đổ vào mua xe mới, xe cũ khó có thể cạnh tranh được. Thêm nữa, đối với các địa phương ven Hà Nội, mặt bằng thu nhập của nhiều gia đình rất khá, đặc biệt ở các huyện, thị và thành phố thuộc tỉnh, nên nếu mình về quê lập địa bàn, xây dựng thương hiệu trước thì đây cũng là điểm lợi", ông Phong nói.

Chia sẻ bí quyết để kinh doanh xe cũ tại địa phương, ông Phong cho biết bên cạnh việc phải tung quân đi kiếm khách hàng, thì duy trì phương thức bán qua facebook, qua zalo, bán chiết khâu qua đầu mối tại các xã cũng giúp các đại lý xe tỉnh lẻ không lo tụt hậu về giá và cập nhật được xu hướng khách hàng nhanh hơn.

Do kinh doanh khá nên hiện ông chủ của đại lý xe cũ này đã mở 5 gara ô tô tại các huyện của tỉnh Hải Dương, một gara ở Hưng Yên

Thực tế, với mức thu nhập ngày càng cao, nhu cầu lớn, nhu cầu về một chiếc xe gia đình, xe bán tải hay xe để chạy dịch vụ tại các vùng nông thôn, tỉnh đang rất lớn. Các năm trước, người mua xe thường chỉ trông ngóng đại lý lớn trên thành phố, hoặc cất công lên Hà Nội tìm kiếm, song hiện nay người dân có nhu cầu, lập tức sẽ được "cò" xe về tận nhà tư vấn.

Chính vì lẽ trên, thời gian gần đây nhiều đại lý xe hơi tư nhân lớn tại Hà Nội cũng đã thiết lập gara và chi nhánh phân phối lẻ ở các thành phố, trung tâm huyện thị để đón đầu xu hướng chọn mua xe hơi của người dân nông thôn. Cuộc cạnh tranh khách hàng tại nông thôn, địa bàn các tỉnh cũng đang dần nóng lên.

An Linh

Né đại chiến giá xe, chủ xe cũ rời phố về quê lập nghiệp - 2