1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

NDT mạnh lên và cán cân thương mại Việt - Trung

Định giá lại nhân dân tệ (NDT) trong tương quan với USD và euro không chỉ là mối quan tâm của Mỹ hay châu Âu mà còn là chuyện sát sườn với các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp trong nước khi Việt Nam phải nhập siêu từ Trung Quốc.

NDT mạnh lên và cán cân thương mại Việt - Trung - 1
Ông Trương Đình Tuyển: NDT đã mạnh thêm 0,43% so với USD.

Ông Trương Đình Tuyển, thành viên hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia: Doanh nghiệp nhập hàng nguy cơ bị đẩy giá lên

Mặc dù theo đánh giá của nhiều nhà kinh tế lớn, Mỹ vẫn còn là siêu cường số một và đồng đôla Mỹ vẫn là đồng tiền thanh toán chủ yếu trong thương mại quốc tế trong khoảng nửa thế kỷ tới, nhưng vai trò và vị thế của Trung Quốc đang tăng lên trên bản đồ kinh tế và chính trị thế giới là điều không thể tranh cãi.

Trung Quốc phát triển, kinh tế Trung Quốc mạnh lên, về khách quan vừa tạo cơ hội lớn, vừa đặt ra những thách thức lớn đối với Việt Nam. Hiện nay, Trung Quốc đang bị Mỹ và châu Âu phê phán về việc định giá NDT thấp. Với sức ép đó, dự báo Trung Quốc cũng có thể điều chỉnh nâng giá NDT nhưng mức độ không lớn.

Khi giá NDT lên thì luồng vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc sẽ rất mạnh và Việt Nam là thị trường đầu tư. Điều quan trọng là phải biết họ lựa chọn công nghệ gì, tránh việc thu hút với bất cứ giá nào để phải chấp nhận công nghệ lạc hậu không thân thiện với môi trường sẽ bị trả giá đắt. Mặt khác, nếu NDT lên giá thì hàng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm sức cạnh tranh và doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu có thể lựa chọn sản phẩm của các đối tác thương mại khác.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp đã gắn với Trung Quốc theo một hợp đồng dài hạn với nhiều gói hợp đồng nhỏ hơn thì sẽ đứng trước nguy cơ bị đẩy giá lên. NDT lên giá cũng sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng vào Trung Quốc. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tính toán kỹ để tranh thủ cơ hội trong trường hợp NDT lên giá.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Ảnh hưởng đáng kể nếu chọn thanh toán bằng USD

Tăng giá đồng NDT là bước đi hợp tác thương mại giữa các cường quốc, giảm bớt xuất siêu của Trung Quốc với một số quốc gia có dùng đồng USD, trong đó có Việt Nam. Trong trường hợp này, Việt Nam xuất hàng qua Trung Quốc thanh toán bằng USD cũng bị ảnh hưởng, còn thanh toán bằng đồng NDT không bị ảnh hưởng.

Đồng NDT của Trung Quốc tăng giá lên, thì tiền đồng thấp giá xuống theo USD, hàng Việt Nam tính ra đồng NDT rẻ hơn. Như vậy, Việt Nam có lợi thế hơn khi xuất hàng qua những quốc gia nào có dùng thanh toán là NDT.

Ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu bên Trung Quốc về phải trả giá đắt hơn nếu chọn thanh toán bằng USD, vì NDT tính qua USD. Còn nếu thanh toán bằng đồng NDT thì không có gì thay đổi.

Tỷ giá USD/VND được giữ cố định không có ảnh hưởng trong tình huống mới này. Nếu doanh nghiệp Việt Nam thanh toán bằng USD thì hàng Trung Quốc về đắt hơn bây giờ, vì đồng USD bây giờ rẻ hơn đồng NDT, thì tiền đồng cũng rẻ theo so với NDT.

Nếu doanh nghiệp thanh toán bằng NDT thì ảnh hưởng ở chỗ doanh nghiệp đổi trực tiếp hay đổi thông qua đồng tiền thứ ba là USD. Nếu đổi trực tiếp thì không có gì thay đổi, còn nếu đổi thông qua đồng USD thì NDT bây giờ đắt hơn. Sẽ xuất hiện phía bên người bán hay người mua Trung Quốc yêu cầu điều chỉnh lại giá cả khi lập hợp đồng.

Mức tăng giá 0,43%, cứ 1.000 đồng lên thêm 43 đồng, là ảnh hưởng đáng kể nếu doanh nghiệp chọn thanh toán qua USD.

Ông Đỗ Long, tổng giám đốc công ty sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân (Bita’s):Chưa tính được bài toán dự trữ nguyên liệu

Không riêng ngành dệt may, giày dép mà nhiều ngành khác còn phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu giá NDT cao thì chi phí đầu vào nguyên liệu sẽ cao, trong khi muốn bán hàng nhiều hơn sang Trung Quốc chưa được.

Chính phủ Trung Quốc điều hành chính sách tiền tệ rất linh hoạt, nên việc tăng giá NDT có thể không nhiều đến mức mà doanh nghiệp Việt Nam nghĩ đến mua nguyên phụ liệu từ Trung Quốc để dự trữ, nhất là với ngành hàng dệt may, giày dép còn bị phụ thuộc vào tính thời trang theo mùa, nếu dự trữ nguyên phụ liệu mà không sử dụng kịp thì thời trang thay đổi, nguyên phụ liệu lạc hậu phải bỏ đi.

Hầu như doanh nghiệp phải vay ngân hàng tiền mua nguyên liệu, nếu doanh nghiệp nào cũng tích trữ nguyên liệu thì tự làm cho lượng nguyên phụ liệu tồn trong nước mình, đến lúc nếu Trung Quốc lại thay đổi giảm giá NDT thì thiệt hại lớn.

Trừ khi doanh nghiệp đã có đơn hàng ổn định, biết chắc sẽ cần bao nhiêu nguyên liệu cho sản xuất mới nên nghĩ đến mua nguyên liệu khi tỷ giá NDT có lợi. Bita’s đã có bốn tổng đại lý ở Trung Quốc, sắp tới chúng tôi sẽ tăng cường mở rộng hệ thống, tiếp tục tìm các đối tác lớn ở Trung Quốc để tăng xuất khẩu. Hiện nay Bita’s xuất khẩu sang các nước khác 30%, Trung Quốc 30%, nội địa 40%.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam: Lưu ý xuất khẩu hàng thô, tài nguyên lại tiếp tục được đẩy mạnh

Hiện nay, Việt Nam đang nhập siêu từ Trung Quốc. Nếu NDT tăng giá thì có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, nguyên phụ liệu sản xuất cứ quá phụ thuộc vào Trung Quốc thì nhập siêu từ Trung Quốc vẫn lớn.

Một điều đáng lưu ý là, nếu khuyến khích xuất khẩu trong điều kiện cơ cấu hàng của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn chưa được cải thiện, có khả năng xuất khẩu hàng thô, xuất khẩu tài nguyên lại tiếp tục được đẩy mạnh. Như thế gây ra tổn hại về dài hạn rất nghiêm trọng, chính sách xuất khẩu cần phải điều chỉnh.

Tỷ giá NDT/USD tăng thì đầu tư Trung Quốc ra nước ngoài sẽ tăng lên, mà khi Trung Quốc đầu tư vào nước nào nhiều thì cạnh tranh cho doanh nghiệp nước đó sẽ xảy ra. Chắc chắn ASEAN sẽ là khu vực mà Trung Quốc nhắm vào đầu tư. Doanh nghiệp Việt Nam nên lưu ý cạnh tranh lao động có thể diễn ra.

Ông Điền Quang Hiệp, giám đốc công ty đồ gỗ Minh Phát 2 (Mifaco), Bình Dương: Sân khách dễ thở, sân nhà khó chơi

Thời gian gần đây, nhiều khách hàng Mỹ, châu Âu thay vì chỉ tìm đơn hàng từ Trung Quốc đã chuyển sang đặt doanh nghiệp Việt Nam làm bởi họ nhận thấy mức giá của Việt Nam tốt hơn.

Tôi lấy ví dụ, cùng một mặt hàng nội thất trong nhà, sử dụng nguyên liệu gỗ cốppha nhưng sản phẩm của Trung Quốc thường rẻ hơn Việt Nam 5 - 10% do doanh nghiệp của họ có lợi thế sản xuất lớn, được hưởng tỷ giá đồng NDT yếu.

Nhưng nay, nếu đồng tệ tăng giá, sẽ tác động lên tất cả chi phí đầu vào và buộc doanh nghiệp Trung Quốc phải điều chỉnh giá bán. Như vậy, sản phẩm của họ sẽ không còn cạnh tranh như trước đây, nhà nhập khẩu tính trước được điều này nên họ tìm đến Việt Nam.

Việc ngày càng có nhiều nhà nhập khẩu Mỹ, châu Âu tìm đến Việt Nam thời gian qua đã giúp Mifaco có đơn hàng xuất khẩu đến hết tháng 9, tháng 10.2010. Điều quan trọng là khách hàng chấp nhận cho chúng tôi điều chỉnh giá tăng từ 5 – 10%, điều mà trước đây rất khó được họ đồng ý nếu như những nguyên nhân tăng giá đưa ra không thuyết phục.

Ngoài ra, tôi cho rằng xu hướng người tiêu dùng chuyển qua sử dụng sản phẩm từ nguyên liệu gỗ rừng trồng cũng đang đưa đến lợi thế cho doanh nghiệp bởi Việt Nam có nhiều gỗ cao su, tràm, bạch đàn hơn Trung Quốc…

Nếu đồng tệ tăng giá so với VND lại giúp doanh nghiệp Trung Quốc cạnh tranh tốt hơn khi thu mua gỗ nguyên liệu của Việt Nam. Trước sức ép này, doanh nghiệp cần phải tổ chức lại sản xuất, cắt giảm tối đa chi phí đầu vào, đồng thời có kế hoạch thu mua, dự trữ nguyên liệu hợp lý. Điều quan trọng hơn là phải cân đối giá thu mua nguyên liệu phù hợp với thị trường.

Theo Nhóm PV
Báo SGTT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm