1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

NCB lãi sau thuế 8 tỷ đồng năm 2022

Thảo Thu

(Dân trí) - Ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 180 tỷ đồng quý IV/2022 song do các quý trước đó kết quả kém khả quan nên tính chung cả năm NCB lãi 8 tỷ đồng.

Báo cáo hợp nhất quý IV/2022 của Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB - mã chứng khoán: NVB) vừa công bố cho thấy ngân hàng này lãi hơn 180 tỷ đồng so với số lỗ 163 tỷ đồng trong quý IV/2021. Tuy nhiên, do các quý trước kinh doanh kém khả quan, cụ thể quý III/2022 liền trước lỗ gần 200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cả năm 2022 của NCB chỉ đạt 8 tỷ đồng, trong khi năm 2021 chỉ tiêu này vẫn đạt 1.400 tỷ đồng.

Nhìn vào các mảng kinh doanh của NCB, lãi từ hoạt động dịch vụ âm 2 tỷ đồng, trong khi kỳ trước lãi đến 42,2 tỷ đồng. Lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư mang về cho ngân hàng 2,9 tỷ đồng, giảm gần 135 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Duy chỉ có hoạt động kinh doanh ngoại hối có sự tăng trưởng lớn, riêng lãi thuần từ mảng này đạt 76 tỷ đồng.

Trong văn bản giải trình gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, phía NCB cho biết quý IV/2022 lãi 180 tỷ đồng nhờ ngân hàng tăng xử lý nợ xấu - việc này góp tăng thu nhập ngoài lãi và sự tích cực từ kinh doanh ngoại hối.

Ngoài ra, trong năm 2022, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và trước trích lập phương án cơ cấu lại của NCB đạt 309 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2021. Nguyên nhân là trong năm NCB đã thực hiện thoái lãi dự thu, ngừng dự thu và trích lập dự phòng đối với các khoản nợ quá hạn, nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Nhà băng này cho biết cũng đã áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

NCB lãi sau thuế 8 tỷ đồng năm 2022 - 1

NCB lãi hơn 180 tỷ đồng quý cuối năm 2022 (Ảnh: NCB).

Năm qua, NCB cũng chủ động xử lý những khoản nợ có vấn đề với kết quả thu được khá tích cực. Tuy nhiên tỷ lệ nợ xấu vẫn cao do ngân hàng thực hiện phân loại lại nợ xấu, nợ quá hạn theo đúng tình trạng khoản nợ theo quy định của NHNN, đặc biệt là sau khi Thông tư 14/2021 liên quan đến cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất cho khách hàng do dịch Covid-19 đã hết hạn vào ngày 30/6/2022.

Một điểm đáng chú ý là tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này tăng từ 3% hồi đầu năm lên 17,9% vào cuối năm, tức cứ 100 đồng thì có gần 18 đồng là nợ xấu, cũng là đơn vị có tỷ lệ này cao nhất toàn ngành. 

Tính đến hết quý IV/2022, tổng dư nợ cho vay khách hàng của NCB tăng 14,6% so với đầu năm lên 47.722 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 2 tăng 70%, nợ nhóm 3 tăng 23 lần, nợ nhóm 5 tăng hơn 7 lần. Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng gấp 6,8 lần so với cùng kỳ, từ 1.249 tỷ đồng lên 8.556 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 12/2022, tiền gửi của khách hàng tại NCB là 71.350 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với đầu năm. Năm 2021, tiền gửi chảy vào hệ thống NCB ghi nhận chiều hướng đi xuống nhưng đến năm 2022 đã được cải thiện. Tổng tài sản cũng tăng hơn 20% so với đầu năm, đạt gần 90.000 tỷ đồng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm