Nạo vét, khai khoáng trái phép trên sông có thể bị phạt 100 triệu đồng

(Dân trí) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 142/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, trong đó mức cao nhất có thể lên đến 100 triệu đồng vì vi phạm các quy định về hàng hải.

Cụ thể, mức phạt tiền cao nhất tới 100 triệu đồng nếu: Đối tượng vi phạm khi xếp, chứa các chất dễ cháy nổ, các chất nguy hại trái quy định có khả năng gây ăn mòn hoặc hư hỏng công trình hàng hải khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Khai thác cát trái phép trên sông, ảnh hưởng đến luồng hàng hải có thể bị phạt đến 100 triệu đồng (ảnh minh hoạ)
Khai thác cát trái phép trên sông, ảnh hưởng đến luồng hàng hải có thể bị phạt đến 100 triệu đồng (ảnh minh hoạ)

Nghị định quy định mức xử phạt nghiêm khắc đối với hoạt động khai thác khoáng sản, nạo vét trái phép trên luồng hàng hải, phạm vi bảo vệ luồng hàng hải, vùng nước cảng biển. Thải các chất thải làm hư hại, ảnh hưởng đến độ bền và tuổi thọ của công trình hàng hải.

Tàu thuyền nước ngoài tham gia vận tải nội địa hoặc thực hiện các hoạt động đặc thù chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định...

Quy định tại Nghị định cũng đưa ra các mức xử phạt khác nhau từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng nếu vi phạm tùy theo mức độ.

Cụ thể, mức phạt tiền thấp nhất 500 nghìn đồng cho các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động hàng hải.

Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi như không thông báo kế hoạch điều độ tàu thuyền vào, rời cảng, để các vật trên cầu cảng hoặc chiếm dụng không gian phía trên cầu cảng gây trở ngại cho các hoạt động khác tại cảng.

Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng khi sử dụng người lao động không có giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quy định...

Theo quy định của Chính phủ, theo tính chất và mức độ vi phạm, tàu thuyền và đối tượng vi phạm có thể bị tịch thu, đình chỉ hoạt động tạm thời hoặc dài hạn. Đối tượng vi phạm có thể đối diện với việc bị tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề 1 đến 24 tháng. Đình chỉ hoạt động và tịch thu tang vật.

Trên thực tế thời gian qua, hoạt động khai thác, nạo vét luồng hàng hải, bãi bồi sông... diễn ra phức tạp trên nhiều tuyến sông, đặc biệt là các tuyến sông lớn ở Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long nơi có nhiều phù sa, cát, sỏi. Việc khai thác, nạo vét trái phép đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến luồng tàu, an ninh hàng hải, dòng chảy và đặc biệt gây sạt lở nghiêm trọng các tuyến sông, đê bảo hộ.

Nguyễn Tuyền

Nạo vét, khai khoáng trái phép trên sông có thể bị phạt 100 triệu đồng - 2