Hà Nội xử phạt 187 vụ hút cát trái phép, thu gần 5 tỷ đồng

(Dân trí) - Theo báo cáo về tình hình quản lý về khoáng sản, trong đó có hoạt động khai thác cát trên địa bàn được Chính phủ giao năm 2015, UBND Hà Nội vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương về tình trạng khai thác cát trái phép, xử phạt và các giải pháp đấu tranh với vấn nạn cát tặc.

Cụ thể, từ ngày 9/5/2016 đến ngày 6/5/2017, theo báo cáo của Công an TP. Hà Nội gửi về, lực lượng công an đã phát hiện và xử lý hơn 235 vụ, 312 đối tượng và tạm giữ hơn 283 tàu thuyền các loại liên quan đến hoạt động khai thác cát.

Trong đó, đáng chú ý, lực lượng công an đã hoàn chỉnh hồ sơ, xử phạt vi phạm hành chính 187 vụ với số tiền gần 5 tỷ đồng, cùng nhiều tang vật có giá trị khác.

Hoạt động khai thác cát trái phép đang diễn biến phức tạp (ảnh minh hoạ)
Hoạt động khai thác cát trái phép đang diễn biến phức tạp (ảnh minh hoạ)

Ngoài thu giữ và xử phạt khai thác cát trái phép, công an Hà Nội còn xử phạt 28 chủ bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng (VLXD) ven sông với số tiền hơn 322 triệu đồng. Các hành vi sai phạm chủ yếu là sử dụng đất sai mục đích, lấn chiếm đất, không có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa; không có cam kết bảo vệ môi trường. Lực lượng chức năng đã giải tỏa và cưỡng chế giải tỏa hơn 80 bãi chứa ven sông.

Theo lãnh đạo Hà Nội, khó khăn trong chống khai thác cát trái phép ở chỗ, VLXD ngày càng khan hiếm, lợi nhuận cao dẫn đến hoạt động khai thác và chứa chấp cát diễn biến phức tạp. Các chế tài xử lý đối với đối tượng vi phạm thấp, chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa' việc xử lý phương tiện tham gia hoạt động khai thác cát trái phép còn gặp nhiều khó khăn.

Hà Nội kiến nghị giao công an TP. Hà Nội phối hợp với công an các huyện, thị xã tăng cường tuần tra, phát hiện, xử lý dứt điểm, nghiêm minh các chủ sử dụng phương tiện tàu thuyền để hút cát trái phép trên sông. Có phối hợp với lực lượng công an 8 tỉnh giáp ranh để triệt phá "cát tặc".

Bên cạnh đó, chính quyền Hà Nội đề nghị Chính phủ và Bộ Công Thương có các giải pháp để ngăn chặn khai thác và chứa chấp cát hiệu quả, trong đó thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với một số mỏ cát phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản được duyệt.

Hiện nay, do hoạt động buôn bán cát sỏi bị kiểm soát gắt gao cho nên giá cát và VLXD đang khá đắt đỏ, thậm chí không có để bán cho các công trình xây dựng. Chính vì vậy, giá cát hiện đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với thời gian trước, điều này càng kích thích cho hoạt động khai thác cát trái phép ở nhiều tuyến sông, suối và nơi cửa ngõ sông không được kiểm soát gắt gao.

Hiện tại Hà Nội, Bắc Ninh và một số địa phương Đồng bằng sông Hồng đang là điểm nóng của khai thác và chuyên chở cát; hiện trạng khai thác cát trái phép đã và đang diễn ra hết sức phức tạp, khôn lường. Báo cáo của UBND TP.Hà Nội, hoạt động khai thác và chứa cát hiện được tổ chức tinh vi, có nơi ngang nhiên khai thác trước sự chứng kiến của người dân và cơ quan chức năng.

Vào cuối tháng 3/2017, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã bắt giữ 13 phương tiện liên quan đến hoạt động hút cát và chuyên chở, chứa cát trái phép trên sông Hồng đoạn qua địa phận huyện Ba Vì (Hà Nội), 13 phương tiện nói trên gồm 4 tàu cuốc, 2 tàu hút và 7 tàu chở cát.

An Linh