Năng suất nông nghiệp Việt Nam chưa bằng một nửa Hàn Quốc, Trung Quốc thập kỷ 90

(Dân trí) - Tốc độ tăng trưởng năng suất lao động ngành nông nghiệp trung bình giai đoạn 2000-2013 của Việt Nam chỉ đạt 3,4%, chưa bằng một nửa so với Hàn Quốc giai đoạn 1980-1995, Trung Quốc trong cùng giai đoạn (đạt 7,5%)

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương (KTTƯ) tại Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được tổ chức sáng nay (8/9) tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương (KTTƯ)
Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương (KTTƯ)

Khái quát về ngành nông nghiệp Việt Nam thời gian qua, Trưởng ban KTTƯ khẳng định, nhờ thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của các bộ, ngành và địa phương, nông nghiệp Việt Nam đã liên tục phát triển, đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển đất nước.

Việt Nam từ một nước nhập khẩu lương thực, đến nay không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho hơn 90 triệu dân, đảm bảo an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng; nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam còn đạt thứ hạng cao trên thế giới như gạo, cà phê, cao su, hồ tiêu, hạt điều, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ chế biến…

Tuy vậy, tăng trưởng và phát triển nông nghiệp của Việt Nam trong vài thập kỷ qua chủ yếu dựa trên cơ sở thâm dụng đầu vào sản xuất, nguồn lực con người và tài nguyên thiên nhiên.

Kể từ năm 1990, tốc độ tăng trưởng năng suất đã chậm lại và chậm hơn so với hầu hết các nước cùng trình độ phát triển trong khu vực do lợi nhuận từ thâm canh đất đã đạt đến mức giới hạn.

Tốc độ tăng trưởng năng suất lao động ngành nông nghiệp trung bình giai đoạn 2000-2013 của Việt Nam chỉ đạt 3,4%, chưa bằng một nửa so với Hàn Quốc giai đoạn 1980-1995, Trung Quốc trong cùng giai đoạn (đạt 7,5%).

Đặc biệt, ông Bình nêu rõ thực trạng đầu tư của Nhà nước, của DN vào ngành nông nghiệp là tăng trưởng và phát triển nông nghiệp của Việt Nam trong vài thập kỷ qua chủ yếu dựa trên cơ sở thâm dụng đầu vào sản xuất, nguồn lực con người và tài nguyên thiên nhiên. Năm 2014, năng suất lao động ngành nông nghiệp chỉ bằng 39% năng suất lao động chung của nền kinh tế. Điều này làm cho nông nghiệp Việt Nam phát triển thiếu bền vững, hiện đang đối mặt với những vấn đề kinh tế nan giải, đó là giá trị gia tăng thấp, an toàn thực phẩm không đảm bảo và khả năng sinh lời thấp của sản xuất nông hộ quy mô nhỏ.

Về số DN hoạt động trong ngành nông nghiệp, đây là nguồn lực quan trọng để phát triển, phân phối sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, theo thống kê của Ban Kinh tế trung ương, tính đến năm 2015, số doanh nghiệp (DN) nông nghiệp hiện giảm xuống chỉ còn 3.600 DN, trong khi đó cơ cấu của các DN nông lâm thủy sản chủ yếu là các DN vừa và nhỏ, chiếm 96,53% tổng số DN và có khoảng 50% doanh nghiệp ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản có quy mô hoạt động siêu nhỏ (dưới 10 lao động).

Đáng nói, năm 2014 số DN hoạt động trong ngành nông nghiệp chỉ chiếm dưới 1% các DN được điều tra (chỉ có 3.844 DN nông nghiệp so với tổng số 420.251 DN hoạt động được điều tra). Giai đoạn 2010 - 2014, tốc độ tăng số DN nông lâm thuỷ sản đạt bình quân 10,6%/năm, thấp hơn so với mức tăng doanh nghiệp nói chung 10,9%/năm.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước (bao gồm cả đầu tư nước ngoài) vào lĩnh vực nông nghiệp ở mức khiêm tốn 30.419 tỷ đồng năm 2014 (tăng 1,42 lần so với năm 2009). Tổng vốn đầu tư của xã hội cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng rất thấp, khoảng 5,4 - 5,6% tổng đầu tư cả nước, trong khi nông nghiệp vẫn đóng góp 17,7% GDP cả nước vào năm 2014.

Số lượng các doanh nghiệp nông nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ và tốc độ phát triển rất chậm, năm 2014 chỉ chiếm dưới 1% các doanh nghiệp được điều tra (chỉ có 3.844 doanh nghiệp nông nghiệp so với tổng số 420.251 doanh nghiệp hoạt động được điều tra). Giai đoạn 2010 - 2014, tốc độ tăng số doanh nghiệp nông lâm thuỷ sản đạt bình quân 10,6%/năm, thấp hơn so với mức tăng doanh nghiệp nói chung 10,9%/năm.

Theo ông Bình, Việt Nam đang có cơ cấu dân số phụ thuộc ngành nông nghiệp rất lớn, các tiềm năng phát triển đã và đang được khai thác nhiều song không hiệu quả. Để phát triển nông nghiệp bền vững, thời gian tới cần nêu rõ những nguyên nhân, khó khăn vướng mắc về chính sách phát triển. Đánh giá những tác động của chính sách hỗ trợ DN đầu tư vào lĩnh vực này để đưa ra chính sách phù hợp. Bên cạnh đó, cần nhận diện rõ bối cảnh quốc tế, những cơ hội và thách thức của ngành khi hội nhập và chuyển đổi sang nền kinh tế hiệu quả, giá trị gia tăng cao hơn.

Nguyễn Tuyền