Ngành nông nghiệp với bài toán “gạo thừa, ngô thiếu”

(Dân trí) - Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay mỗi năm Việt Nam dư thừa khoảng 7 triệu tấn gạo, nhưng vẫn phải nhập một khối lượng khá lớn ngô về để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Vậy làm thế nào để ngành nông nghiệp Việt Nam giải được bài toán “gạo thừa, ngô thiếu” như hiện nay?

Ông Ma Quang Trung cho biết, hiện nay Việt Nam đang dư thừa 7 triệu tấn gạo mỗi năm, trong khi phải nhập khẩu ngô vào để làm thức ăn chăn nuôi.
Ông Ma Quang Trung cho biết, hiện nay Việt Nam đang dư thừa 7 triệu tấn gạo mỗi năm, trong khi phải nhập khẩu ngô vào để làm thức ăn chăn nuôi.

Để trả lời câu hỏi trên, PV Dân trí đã có cuộc phỏng vấn ông Ma Quang Trung – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT).

Mỗi năm Việt Nam dư thừa 7 tấn gạo

Được biết, hiện nay Việt đang xảy ra tình trạng gạo thừa ngô thiếu. Vậy ngành nông nghiệp đã có biện pháp nào để cân bằng, phát huy lợi thế của từng cây trồng này không?

Hiện nay chúng ta hàng năm sản xuất ra trên dưới 45 triệu tấn lương thực, cân đối cho cả đất nước về an ninh lương thực vẫn thừa trên 7 triệu tấn. Ngoài ra, hiện nay dư địa để xuất khẩu gạo không phải nhiều lắm và dần dần các nước khác người ta cũng phát triển cây lương thực, tự trang trải được cho nên càng ngày dư địa càng thấp đi cho nên phải giảm lượng lúa gạo, chuyển sang làm lúa gạo chất lượng cao hơn để làm ít thôi nhưng giá trị cao thì vẫn bù đắp được về sản lượng, giảm sức ép về xuất khẩu.

Vấn đề thứ hai ngô hiện nay, mặc dù chúng ta có khoảng độ 1,2 triệu ha ngô. Tuy nhiên, hàng năm chúng ta vẫn phải nhập rất nhiều ngô bên ngoài vào. Nguyên nhân không phải chúng ta không làm được mà chúng ta không làm đủ ngô cho nhu cầu ở trong nước, giá thành ngô của chúng ta làm ra cao hơn giá thành nhập vào khoảng 1.000 đồng/kg. Cho nên bài toán đặt ra làm thế nào chuyển đất lúa sang làm ngô, thứ hai là giảm giá thành để chúng ta giảm sức ép nhập ngô từ ngoài vào.

Trước đây đã có chính sách hỗ trợ ngô 2 triệu đồng/ha nhưng chỉ áp dụng ở ĐBSCL, nhưng nay chúng ta mở rộng ra cả nước với mức cao hơn là 3 triệu đồng/ha. Điều này sẽ giúp cho người dân phát huy lợi thế về đất đai như thế nào?

Theo quy định 580 của Thủ tướng Chính phủ thì chỉ áp dụng cho vùng ĐBSCL, đây là vựa lúa chúng ta đang sản xuất dư thừa rất nhiều sản lượng lúa gạo với mức 2 triệu đồng/ha. Trong thời gian vừa qua chúng ta cũng đã chuyển đổi tương đối đạt yêu cầu. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cũng thấy rằng việc chuyển đổi này không chỉ có nhu cầu ở ĐBSCL mà không phải chỉ có nhu cầu giảm lượng lương thực xuất khẩu. Hiện nay, do tập quán sản xuất, do biến đổi khí hậu nên khu vực miền Trung trồng các loại cây chịu hạn là vấn đề để ta khắc phục cái hạn hán hiện nay.

Hoặc phía Bắc, bà con nông dân rất quen với cây ngô này. Cho nên Chính phủ đã có quyết định 915 bắt đầu từ vụ hè thu năm 2016 này cho phép tất cả các vùng trên địa bàn của cả nước được chuyển đổi đất lúa sang trồng ngô, hỗ trợ với mức là 3 triệu đồng/ha. Tôi cho rằng, nếu chúng ta thực hiện tốt, đây là một chính sách rất là tốt cho người sản xuất.

Một là nó giải quyết được bài toán mà chúng ta vẫn nói giảm lương thực xuất khẩu đang dư thừa hiện nay; Thứ hai, cộng với việc chúng ta làm tốt việc giảm giá thành thì nó sẽ hạn chế tình trạng chúng ta đang nhập siêu rất lớn ngô từ nước ngoài vào.

Vấn đề thứ ba, rõ ràng việc chuyển đổi linh hoạt như vậy sẽ đem lại nguồn thu nhập rất là tốt cho người nông dân khi người ta thực hiện chuyển đổi, khi người ta thực hiện tăng vụ.

Sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha đất trồng lúa

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về chủ trương chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác kết hợp với nuôi trồng thủy sản?

Hiện nay, mỗi năm Việt Nam nhập khoảng 3-4 triệu tấn ngô vào để sản xuất các loại thức ăn gia súc.
Hiện nay, mỗi năm Việt Nam nhập khoảng 3-4 triệu tấn ngô vào để sản xuất các loại thức ăn gia súc.

Có thể nói chủ trương chuyển đổi từ đất trồng lúa hiệu quả thấp sang các loại cây trồng khác hiệu quả cao hơn – đây là một giải pháp để chúng ta thực hiện tái cơ cấu trong thời điểm hiện nay. Thực hiện chủ trương này, chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu:

Thứ nhất, chúng ta giảm được áp lực về lúa gạo xuất khẩu hiện nay. Hiện nay mỗi năm chúng ta xuất khẩu khoảng 7 triệu, dư thừa 7- 8 triệu tấn. Đây là khối lượng dư thừa rất là lớn cho nên phải giảm đi.

Thứ hai, chúng ta giảm lượng ngô nhập vào. Mỗi năm hiện nay Việt Nam nhập khẩu khoảng 3-4 triệu tấn ngô vào để sản xuất các loại thức ăn gia súc.

Vấn đề thứ hai chúng ta nâng cao được hiệu quả sử dụng đất. Bởi vì trồng lúa là quen với nông dân, nhưng thực ra thì thu nhập, cái lãi từ trồng lúa không cao. Việc chuyển đổi sang cây trồng khác để có thu nhập cao hơn.

Vấn đề thứ ba, chúng ta hiện nay có khoảng 3,8 triệu ha đất trồng lúa, chúng ta chuyển một phần sang trồng các loại cây ngắn ngày. Đây là một cơ chế của Chính phủ cho phép để sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha đất trồng lúa. Khi mà chúng ta có điều kiện chuyển đất trồng lúa sang trồng cây màu ngắn ngày sau lại chuyển sang đất trồng lúa, chúng ta sẽ rất linh hoạt. Còn nếu chuyển sang trồng cây dài ngày hoặc mục đích khác thì mất đất trồng lúa.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Dương (thực hiện)