Bạc Liêu:
Nạn bơm chích tạp chất vào tôm: Chính quyền tỉnh Bạc Liêu quyết liệt vào cuộc
(Dân trí) - “Có địa phương nói việc bơm chích tạp chất vào tôm thì ấp, xã đều biết hết, nhưng không xử lý được. Việc ký cam kết với Chủ tịch tỉnh là để quyết liệt xử lý dứt điểm tình trạng này và cũng là thể hiện trách nhiệm với quốc gia...”, Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh.
Hàng chục ngàn ký tôm chứa tạp chất bị phát hiện
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bạc Liêu, từ năm 2010 đến nay, Sở đã phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh thành, kiểm tra 428 đợt, phát hiện 217 trường hợp vi phạm với số lượng 73,941 tấn tôm có chứa tạp chất (chủ yếu là agar và CMC). Trong đó, tổ chức bơm tạp chất vào tôm 37 trường hợp, thu gom tôm có chứa tạp chất 35 trường hợp, vận chuyển tôm có chứa tạp chất 145 trường hợp.
Chỉ tính riêng trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, Sở đã tổ chức 86 đợt kiểm tra, phát hiện 40 trường hợp vi phạm, với tổng số lượng hơn 6.266 kg; đã xử lý vi phạm 39 trường hợp với số tiền trên 3,4 tỷ đồng.
Ông Trịnh Hoài Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho rằng, một trong những khó khăn để xử lý bơm tạp chất vào tôm là hành vi này được thực hiện ngày càng tinh vi hơn, đối tượng vi phạm luôn tìm cách đối phó và sẵn sàng chống đối với lực lượng chức năng; lực lượng thanh tra chuyên ngành khó tiếp cận những nhà máy chế biến thủy sản trong quá trình kiểm tra; vấn đề cung cầu, nguồn nguyên liệu khan hiếm cùng với lợi nhuận cao nên một số doanh nghiệp chưa có quyết tâm “nói không với tạp chất”;…
Theo ông Thanh, giải pháp mà Sở này đưa ra để xử lý tình trạng tôm tạp chất là tăng cường mạnh hơn nữa công tác thanh, kiểm tra các địa bàn trọng yếu, giáp ranh các tỉnh để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng tất cả các cơ sở vi phạm; rút giấy phép kinh doanh đối với cơ sở vi phạm;…
Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng đề nghị tỉnh xem xét trách nhiệm chính quyền các cấp huyện, xã để xảy ra vi phạm bơm chích tạp chất trên địa bàn.
Ấp, xã biết hết nhưng không xử lý được
Đánh giá tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm, ông Dương Văn Thới - Chủ tịch huyện Hòa Bình, thẳng thắn: "Khi chúng tôi hỏi về việc các hộ dân, cơ sở bơm chích, mua bán tôm tạp chất ở địa phương thì ấp, xã biết không, nói chung là biết hết".
Theo ông Thới, qua trao đổi với các xã, ấp dù biết rõ tình trạng trên nhưng không xử lý được là do lực lượng quá mỏng nên không đủ điều kiện và sợ va chạm. “Có khi kiểm tra mạnh cơ sở nào đó, thì người này gửi, người kia gửi, khó lắm”, ông Thới băn khoăn.
Theo ông Thới, để xử lý tốt tình trạng tôm tạp chất thì một mình huyện không làm được, mà cần có sự vào cuộc của lãnh đạo tỉnh và các Sở, ngành. “Ngoài tuyên truyền, vận động thuyết phục, buộc đối tượng cam kết thì cần phân loại như hộ gia đình thì giao cho xã, đối với cơ sở quy mô nhỏ thì huyện phối hợp xã xử lý, còn với cơ sở quy mô lớn thì tỉnh phải hỗ trợ”, ông Thới đề nghị.
Bên cạnh đó, hiện nay để xác định tôm có chứa tạp chất hay không thì đã qua huyện chưa làm được. Do đó, ngành chức năng tỉnh cần tập huấn, huyện cử cán bộ chuyên trách làm việc này, phải am hiểu thì mới làm được.
Cũng theo Chủ tịch huyện Hòa Bình, khi kiểm tra phát hiện xử lý lần 1, lần 2 mà đối tượng vẫn cố ý vi phạm thì phải mạnh dạn rút giấy phép. “Tuy nhiên, để làm được điều này, đề nghị tỉnh có quy chế quy định rõ ràng, trong đó nêu trách nhiệm cụ thể tỉnh làm gì, huyện làm gì và phối hợp như thế nào. Nếu huyện làm không tròn thì huyện chịu trách nhiệm”, ông Thới nêu quan điểm.
Nói về việc tỉnh phát động các địa phương cam kết xử lý tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung nhấn mạnh, đó là thể hiện trách nhiệm của địa phương đối với quốc gia. Theo ông Trung, nếu vẫn để tình trạng tôm xuất khẩu (trong đó có Bạc Liêu) ra một số nước mà có chứa tạp chất, kháng sinh,… thì ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu của con tôm Việt Nam.
Ông Trung nói thêm, việc cam kết không chỉ trách nhiệm đối với quốc gia mà còn trách nhiệm cho chính mình. “Tỉnh Bạc Liêu được Trung ương chọn là tỉnh trọng điểm của quốc gia về tôm. Nhưng cứ để xảy ra tình trạng tôm tạp chất trên địa bàn thì còn gì nữa”, ông Trung lý giải. Do đó, Chủ tịch Trung đề nghị các địa phương sau cam kết, cần tập trung làm quyết liệt hơn nữa để xử lý dứt điểm tình trạng tôm tạp chất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Quyết liệt “tuyên chiến” với tình trạng tôm tạp chấp, các địa phương trong tỉnh Bạc Liêu vừa ký cam kết trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh này.
Theo đó, nội dung cam kết là đến đầu năm 2018, cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm và mua bán tôm chứa tạp chất trên địa bàn phụ trách; phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra thường xuyên, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và mua bán tôm có chứa tạp chất; kiên quyết xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý cố tình tiếp tay bao che cho hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, hoặc có hành vi cản trở, can thiệp hoạt động thanh, kiểm tra trong lĩnh vực này.
Bảng cam kết cũng nêu rõ, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn chỉ đạo Chủ tịch xã, phường, thị trấn nơi có thể xảy ra tình trạng bơm chích tạp chất và mua bán tôm tạp chất ký cam kết với huyện; trong quá trình quản lý điều hành trên địa bàn phụ trách để xảy ra hoặc không thực hiện đúng cam kết thì Chủ tịch cấp huyện hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và mọi hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.
Huỳnh Hải