1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nắm tới 14.000 tỷ đồng tiền mặt, Masan hoàn thành thanh toán nợ đến hạn

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Masan đã hoàn tất thanh toán nghĩa vụ nợ đáo hạn năm 2023. Trong năm 2024, tổng mức trái phiếu đáo hạn của tập đoàn này chỉ 6.000 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với lượng tiền mặt và tương đương tiền khoảng 14.000 tỷ đồng.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư và cập nhật kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2023 vào chiều ngày 30/10, CEO Masan Group, ông Danny Le, đã có những chia sẻ chi tiết về khoản đầu tư của Bain Capital, SK Group cũng như tình hình thanh khoản và lộ trình hoàn tất thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn trong năm 2023 và 2024.

Theo đó, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Masan là công ty hiếm hoi trên thị trường thu hút thành công vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây. Khoản đầu tư vốn cổ phần của Bain Capital vào Masan Group có thể tăng lên 500 triệu USD. Ông Danny Le nhấn mạnh số tiền thu được từ giao dịch này sẽ giúp giảm đòn bẩy tài chính, tối ưu bảng cân đối kế toán của công ty, đưa tỷ lệ nợ ròng/EBITDA về dưới 3,5 lần một cách ổn định.

Nắm tới 14.000 tỷ đồng tiền mặt, Masan hoàn thành thanh toán nợ đến hạn - 1
Mục tiêu của Masan trong năm 2023 và 2024 là giữ ổn định tỷ lệ nợ/EBITDA dưới 3,5 lần (Ảnh: Masan).

Phía Masan cũng khẳng định giao dịch với Bain thuần túy là giao dịch vốn đầu tư cổ phần, không có cơ cấu phòng vệ giá hoặc vay cổ phiếu MSN dẫn đến việc bán cổ phiếu MSN ra thị trường vào ngày phát hành. Cấu trúc của khoản đầu tư trên được thiết kế nhằm đảm bảo các lợi ích của cổ đông hiện hữu của Masan.

CEO Masan cho biết tập đoàn này hiện quản lý một số tài sản không phải cốt lõi, và sẽ đưa ra các quyết định phù hợp trong thời gian tới. Mục tiêu chung là bình thường hóa tỷ lệ nợ/EBITDA và giúp bảng cân đối kế toán của Masan khỏe mạnh hơn so với chuẩn chung của thị trường.

"Với tình hình thị trường tài chính, thị trường vốn như hiện nay, ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục cải thiện tỷ lệ nợ/EBITDA. Từ năm tới, tỷ lệ này chắc chắn sẽ tốt hơn, vì EBITDA đang trong xu hướng tăng", ông Danny Le cho hay.

Năm 2022, Masan có khoản vay hợp vốn trị giá 600 triệu USD, năm 2023 là 650 triệu USD. Tập đoàn này đã hoàn tất thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ đáo hạn vào năm 2023. Trong năm 2024, tổng mức trái phiếu đáo hạn chỉ rơi vào khoảng 6.000 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền hiện tại của công ty là hơn 14.000 tỷ đồng và EBITDA cho 12 tháng gần nhất cũng gần 14.000 tỷ đồng.

Tiền mặt và các khoản tương đương tiền dự kiến có thể tăng thêm khoảng từ 4.900 tỷ đồng đến 12.250 tỷ đồng sau khoản đầu tư vốn cổ phần dẫn đầu bởi Bain Capital. Dòng tiền tự do (FCF) cho thấy sự cải thiện liên tục, với FCF quý III/2023 đạt 2.202 tỷ đồng, tăng đáng kể so với mức 125 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái nhờ vào việc quản lý vốn lưu động hiệu quả.

Nắm tới 14.000 tỷ đồng tiền mặt, Masan hoàn thành thanh toán nợ đến hạn - 2
Công ty này đang nắm giữ lượng tiền mặt dồi dào và EBITDA tăng trưởng tốt nhờ chiến lược bán hàng, phát triển sản phẩm và quản lý chi phí phù hợp (Ảnh: Masan).

Riêng với SK Group - đối tác đang đầu tư tới 1,5 tỷ USD vào Masan Group trong nhiều mảng khác nhau - ông Danny Le cho biết hai bên chia sẻ quan điểm chung "tiền mặt là trên hết".

"SK Group là đối tác dài hạn của Masan Group. Trên tinh thần đó, đối với phần vốn sở hữu của SK Group tại Masan, đôi bên đã thống nhất hợp tác cùng nhau để triển khai một lộ trình nhiều năm giúp tối đa hóa giá trị cho cổ đông của cả hai doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ có những công bố và chia sẻ cụ thể hơn trong tương lai. Tuy nhiên, dù với bất cứ biến động nào về thị trường, chắc chắn hiện tại lượng tiền mặt và tương đương tiền mặt của Masan vẫn rất khỏe, và chúng tôi sẽ tiếp tục là đối tác tin cậy của các nhà đầu tư lớn", đại diện Masan Group cho biết.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm