Năm mới, chuyên gia mách nước 4 bước để lập kế hoạch tài chính cá nhân

Thảo Thu

(Dân trí) - Xác định mục tiêu trong ngắn và dài hạn, đánh giá tình hình tài chính của bản thân, xác định khoảng cách giữa hiện tại và mục tiêu, rà soát định kỳ… là các bước để lập kế hoạch tài chính cá nhân.

Bước sang năm mới là giai đoạn cần lập kế hoạch tài chính cá nhân. Theo các chuyên gia, khi có bản kế hoạch tài chính phù hợp, mỗi người sẽ có cách xử lý tiền bạc hợp lý, chủ động ứng phó với các biến động cuộc sống để đi tới thành công.

Chuyên gia Ngô Thành Huấn, Giám đốc Khối Tài chính cá nhân FIDT - đơn vị tư vấn đầu tư và quản lý tài sản tại Việt Nam gợi ý 4 bước để lập công thức xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân, thường cho 5 năm tiếp theo:

1. Xác định mục tiêu tài chính trong ngắn hạn và dài hạn (Biết mình muốn gì)

Lập kế hoạch tài chính cá nhân. Đây là bước tưởng như đơn giản nhưng thường bị bỏ qua, làm cho việc quản lý tài chính càng trở nên mông lung, thiếu định hướng và cuối cùng là thiếu hiệu quả.

2. Đánh giá tình hình tài chính của bản thân (Biết mình đang ở đâu)

Để tránh thiếu sót, khi lập mục tiêu, có đối tượng và 2 yếu tố cần lưu ý:

- Về đối tượng: cần xét mục tiêu cho bản thân và cho các người phụ thuộc tài chính liên quan như cha mẹ, con cái…

- Có 2 yếu tố chúng ta phải xét đến:

 + Loại mục tiêu: thu nhập, chi tiêu, đầu tư, bảo hiểm, thừa kế, hưu trí…

 + Mốc thời gian: ngắn hạn một năm, trung hạn 3 năm và dài hạn là trên 3 năm.

Với việc đánh giá tài chính mình đang ở đâu, chúng ta sẽ liệt kê 2 phần tài sản và thu chi. Chúng ta có những tài sản gì, đang vay bao nhiêu và tiềm năng tăng trưởng của những tài sản đó.

Về thu chi, chúng ta không chỉ liệt kê thu chi hiện tại mà cần đánh giá tiềm năng trong 5 năm tới. Ví dụ: thu nhập có thể tăng do chuyển công ty hoặc chi tiêu sẽ tăng khi có thêm con cái…

Năm mới, chuyên gia mách nước 4 bước để lập kế hoạch tài chính cá nhân - 1

Xác định mục tiêu tài chính trong ngắn hạn và dài hạn là bước đầu tiên để thiết lập tài chính cá nhân (Ảnh: Mạnh Quân).

3. Xác định khoảng cách giữa hiện tại và mục tiêu để tìm ra kế hoạch phù hợp để đạt mục tiêu hoặc điều chỉnh mục tiêu (Biết mình cần làm gì và có thể làm gì)

Biết mình cần làm gì và có thể làm gì là bước quan trọng nhất. Chẳng hạn, với tài sản hiện tại, nếu muốn tăng trưởng gấp đôi trong 3 năm tới, bạn cần đầu tư vào đâu và thu nhập phải tăng thêm bao nhiêu, đi cùng với chi tiêu phải quản lý ở mức nào và bảo vệ tài chính trong những tình huống rủi ro ra sao. Ở bước này, bạn cần phải phân tích và chọn lựa giữa rất nhiều phương án khả thi để cân bằng lợi nhuận và rủi ro.

4. Thực hiện kế hoạch đã đề ra và rà soát định kỳ (Làm và kiểm tra)

Cuối cùng là bạn sẽ phải hiện thực hóa kế hoạch bạn đã vạch ra. Và nên nhớ, định kỳ (ít nhất là 6 tháng), bạn cần rà soát và điều chỉnh các kế hoạch đã vạch ra nếu như không còn phù hợp với tình hình thực tế.

Đặc biệt, trên hành trình thiết lập kế hoạch tài chính cá nhân, có 3 từ khóa quan trọng nhất quyết định sự thành công của kế hoạch tài chính

- Kiến thức: Đòi hỏi bạn phải hiểu rất nhiều lĩnh vực về tài chính cá nhân như đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, thuế thu nhập cá nhân…

- Thông tin: Cần phải theo dõi thị trường thường xuyên và cập nhật các điều chỉnh của chính sách và luật định

- Kinh nghiệm: Thông thường, các cá nhân chỉ có kinh nghiệm trong một số tình huống nhất định và chỉ có các Financial Planner (các chuyên gia hoạch định tài chính) sẽ giúp bạn tốt lên. Đó là kinh nghiệm thất bại và thành công từ hàng trăm, hàng nghìn tình huống khác nhau để giúp bạn có những lựa chọn tối ưu hơn.

Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý, bạn có thể bất ngờ có khoản tiền lớn vượt lên trên kế hoạch tài chính đặt ra (trúng số, thừa kế) hoặc bất ngờ sụt giảm mạnh tài sản (vỡ nợ, đầu tư thua lỗ…) - tức tài chính bị chệch nhịp với mục tiêu đặt ra. Khi có sự thay đổi lớn từ tài chính nội tại, việc đầu tiên là quay lại từ bước số 1 đến bước số 4 để lập kế hoạch tài chính mới. Kế hoạch mới sẽ giúp bạn bình tĩnh, sáng suốt hơn khi đứng trong tình huống, thách thức lớn bất ngờ xảy ra.