Năm mới 2022, nhìn lại nghề trồng lúa của năm cũ!

Trường Thịnh

(Dân trí) - Năm 2021 là năm Tân Sửu. Gọi là "Sửu" cho có văn vẻ nhưng thực sự bà con nông dân vẫn gọi em là "Trâu", đã sinh ra Trâu thì phải kéo cày.

Theo thông tin (đến 2/2020) của Bộ NN&PTNT cho biết: đến nay khâu làm đất bằng máy cho lúa, ngô, rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày đã đạt đến 94% diện tích. Gieo cấy đạt 42%, chăm sóc đạt 77%. Về thu hoạch lúa trong phạm vi cả nước mới đạt 65%, chỉ riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của cả nước thì khâu này ước tính đạt được 90%.

Năm mới 2022, nhìn lại nghề trồng lúa của năm cũ! - 1

Tuy vậy, trong năm 2021, thân "Trâu" em còn phải cáng đáng kéo cày cho một phần không nhỏ diện tích đất lúa cũng như đất rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày mà mỗi năm phải quay vòng 3- 4 vụ. Lý do chính là nhiều hộ có ruộng đất quá nhỏ, đường sá ra vào chật hẹp, nên máy móc vẫn ưu tiên nhường lại cho thân "Trâu" đảm nhiệm.

Tuy mệt, nhưng "Trâu" vẫn mừng vì theo sơ kết của Cục Trồng trọt, Bộ NN& PTNT đánh giá năm 2021, ở các tỉnh Miền Bắc tuy đất lúa có giảm 19.000ha, nhưng sản lượng và năng suất lúa vẫn tăng so với năm 2020. Năng suất lúa đạt 58,2tạ, tăng 0,2tạ/ha, sản lượng tăng 233.000 tấn. Trên cánh đồng lúa Nam bộ, diện tích trồng lúa cũng giảm 58,700ha, nhưng năng suất lúa vẫn đạt bình quân 6,18 tấn/ha, tăng 0,21 tấn/ha và sản lượng tăng 515.000 tấn so với năm 2020.

Điều đáng mừng là năm Tân Sửu 2021, dù dịch Covid-19 tấn công rất ác liệt, gây tổn hại, chết chóc đau thương cho người và tài sản không kể xiết. Bão lụt cùng hùa với dịch bệnh, gây thiệt hại mùa màng, thất thoát tài sản, đồng thời nhiều loại vật tư thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp cũng đua nhau tăng giá. Người nông dân tưởng chừng không gượng nổi sau những cơn bão dịch, bão giá như vậy. Tuy nông sản xuất khẩu có gặp nhiều khó khăn hơn mọi năm, đặc biệt là các mặt hàng rau quả, vì đó là mặt hàng xuất tươi, đối tác lại làm khó dễ nên sản lượng xuất và kim ngạch bị thất thiệt nhiều hơn. May thay ngành lúa gạo lại do nhu cầu tiêu dùng trên thế giới vẫn tăng.

Gạo Việt Nam ngày càng có chất lượng cao nên dù sản lượng xuất có thể chưa bằng năm trước nhưng giá trị tạm tính vẫn tăng và tăng cao hơn mọi năm. Năm 2019 xuất 6,344 triệu tấn nhưng kim ngạch chỉ đạt 2,793 tỷ USD, bình quân 440 USD/tấn. Còn năm 2021, theo ước tính kim ngạch xuất khẩu gạo có thể đạt mức 3 tỷ USD do giá gạo có chất lượng cao đạt 551 USD/tấn. Nếu dự kiến này là đúng thì đó là niềm vui mà năm Sửu của tôi đã mang lại cho bà con trồng lúa cả nước, nhất là bà con ở ĐBSCL, nơi có lượng gạo xuất khẩu chiếm gần 90% của cả nước.

Năm mới 2022, nhìn lại nghề trồng lúa của năm cũ! - 2

Điều này có thể là món quà có ý nghĩa tặng cho năm Nhâm Dần 2022 để lấy đà tăng tiến. Sửu biết rằng, năm Nhâm Dần, cũng không thoát khỏi cái khổ mà em Sửu đã phải gánh chịu, ngược lại còn gánh thêm vật tư thiết yếu cho nghề trồng lúa cũng tăng như vũ bão. Ví dụ, loại phân Ure mà bà con sử dụng nhiều nhất thì đầu năm 2021 giá mới chỉ 6.000 đồng/kg, sau đó tăng lên và nay là 17.000 đồng/kg. Loại DAP từ 12.600 đồng/kg, lên 25.000 đồng/kg…

Khó khăn nhưng trong cái khó sẽ ló ra cái khôn. Và ta cũng có món võ trong tay do chương trình "Canh tác thông minh" trên cây lúa ban tặng. Đó là giảm thiểu các vật tư hợp lý, áp dụng đúng gói kỹ thuật mà chương trình đã tổng kết. Qua 5 vụ liên tiếp, chương trình giảm bình quân 72kg giống/ha, dùng phân Đầu Trâu bình quân giảm được 61kg Ure/ha, mà năng suất lúa mô hình vẫn tăng hơn đối chứng của bà con sạ dày, bón nhiều phân đến 680kg thóc/ha, chi phí giảm bình quân 11% mà còn lời hơn đối chứng được 5.925.065 đồng/ha.

Gói kỹ thuật đơn giản là làm đất kỹ, bằng phẳng, bón lót phân Đầu Trâu Mặn Phèn để hóa giải độc tố trong đất, sạ giống xác nhận chất lượng cao, lượng giống từ 80kg/ha trở xuống, bón phân Đầu Trâu TE-A1 và TE-A2 thúc đẻ nhánh và thúc đòng, không bón rước hạt. Giữ nước nông kết hợp tháo cạn, áp dụng nghiêm ngặt kỹ thuật IPM, thăm đồng thường xuyên, gặt đúng lúc.

Ta hãy làm một phép tính để xem cái lợi mang lại ra sao. Bón phân Đâu Trâu giảm 61kg Ure/ha chưa tính lượng P và K, nếu tính cho diện tích gieo trồng lúa Đông Xuân và Hè Thu ở ĐBSCL là 3.250.000ha nhân với 61kg Ure ta sẽ tiết kiệm được 198.250 tấn Ure. Khối lượng phân này vừa làm tăng chi phí vừa gây ô nhiễm môi trường, làm cho sản phẩm thiếu an toàn lại bán không được giá thì cách nào lợi hơn.

Sản xuất lúa thông minh là kết quả của việc áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, nhưng rất đơn giản, chỉ cần mạnh dạn từ bỏ tập quán cũ là bà con có thể làm theo dễ dàng.

Việc đơn giản nhất là bạn cần 1 chiếc điện thoại thông minh kết nối với internet. Khi cần mua giống - phân bón có chất lượng cao hay thuê mướn máy móc để canh tác bạn vào internet để đặt hàng, nhà cung cấp sẽ sẵn sàng mang vật tư đến cho bạn rất nhanh chóng mà không bị mua hàng giả hay kém chất lượng. Các nước tiên tiến người sản xuất cũng làm như vậy. Khi khu vực của bạn có kết nối bộ cảm ứng để theo dõi tình hình cây trồng, sâu bệnh… bạn cũng kết nối máy điện thoại của bạn và chỉ ngồi ở nhà cũng sẽ nắm bắt được tình hình cây cối trên ruộng của bạn đang có gì xảy ra để kịp thời xử lý cũng là những hoạt động của kỹ thuật số.

Hy vọng năm mới Nhâm Dần, rút tỉa kinh nghiệm của Tân Sửu, làm theo kỹ thuật sản xuất thông minh trên cây lúa của bạn, sử dụng điện thoại thông minh của bạn để giúp bạn hóa giải những khó khăn trước mắt do thiên tai mang lại mà vẫn có một vụ lúa thắng lợi…

GS.TS. Mai Văn Quyền

Hội đồng KHKT Công ty CP Phân bón Bình Điền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm