1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Năm học mới "thổi" chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng nhẹ

(Dân trí) - Tổng cục Thống kê (TCTK) vừa công bố báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và thị trường giá cả tháng 9 và 9 tháng đầu năm. Theo đó, CPI tháng 9 tăng 0,54% so với tháng trước, tăng 3,34% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,14% so với tháng 12 năm 2015.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng đầu năm tăng 2,07% so với cùng kỳ năm trước. Theo TCTK trong 11 nhóm hàng hoá và dịch vụ chính của giỏ hàng CPI, có 10 nhóm CPI tăng, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm giáo dục với 7,19%, Giao thông với 0,55%, Văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,18%, may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,14%....chỉ riêng có nhóm hàng dịch vụ viễn thông giảm 0,07%.


Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 so với các tháng trước đó (nguồn Tổng cục Thống kê)

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 so với các tháng trước đó (nguồn Tổng cục Thống kê)

Theo lý giải của TCTK, CPI tháng 9 và 9 tháng đầu năm tăng mạnh là do trong tháng mưa nhiều nên giá rau tươi tăng mạnh từ 10 - 15% do nguồn cung hạn chế, đẩy giá nhóm thực phẩm tăng 0,1%.

Đặc biệt, chỉ tiêu giáo dục tăng mạnh là do ở 53 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương đã điều chỉnh mức tăng học phí vào đầu năm học, làm cho chỉ số nhóm giáo dục góp vào tăng 0,24% CPI cả tháng. Ngoài ra, trong tháng, nhu cầu mua sắm đồ dùng học tập như quần áo, mũ nón, sách vở gia tăng, đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,14% so với tháng trước.

Về giá nguyên liệu, trong tháng có 3 đợt điều chỉnh giá xăng dầu vào ngày 19/8, 5/9 và 20/9, khiến chỉ số giao thông tăng, đóng góp vào mức tăng CPI tháng 9/2016 là 0,05%. Về mặt hàng gas, từ tháng 9/2016 mặt hàng này điều chỉnh tăng 6.000 đồng/kg (12 kg), đẩy chỉ số giá nguyên liệu, chất đốt tăng nhẹ.

Theo số liệu của TCTK, CPI tháng 9/2016 có mức tăng trưởng dương so với tăng trưởng âm 0,21% cùng kỳ năm 2015. Mức tăng tháng 9 tương ứng với các năm 2007, 2009 và 2011 và kém so với cùng kỳ năm 2010, 2012 và 2013.

Đáng chú ý, chỉ số giá tiêu dùng nhóm mặt hàng ăn uống, sau hai tháng giảm đã quay đầu tăng với mức 0,09% so với tháng trước, trong đó lương thực tăng 0,16%, thực phẩm tăng 0,1% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,04%. Trong khi đó, giá lương thực tăng nhẹ do Việt Nam ký hợp đồng xuất gạo sang Philipines.

Tuy nhiên, với lượng cung trong nước dồi dào, các chuyên gia dự đoán giá lương thực chỉ biến động nhẹ trong thời gian tới, khó xảy ra việc tăng giá mạnh như một số dự báo được đưa ra hồi đầu năm khi tình trạng xâm nhập mặn xảy ra ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Nguyễn Tuyền