Năm 2030 sẽ có đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Theo báo cáo cuối kỳ dự thảo quy hoạch đường sắt, hai đoạn tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang dự kiến được xây dựng, đưa vào khai thác năm 2030, với vận tốc 350km/h.

Mới đây, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu đơn vị tư vấn làm rõ sự cần thiết đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong dự thảo quy hoạch.

Người đứng đầu ngành giao thông vận tải cũng yêu cầu phân tích rõ các dự báo về nhu cầu, có so sánh với năng lực của các phương tiện khác trên cùng hành lang, cự ly vận chuyển. Từ đó, định hướng, lập kế hoạch đầu tư từng giai đoạn.

Năm 2030 sẽ có đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang - 1
Năm 2030 sẽ có đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang (ảnh minh họa: Internet).

Trong báo cáo cuối kỳ dự thảo quy hoạch đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 được đưa ra, đơn vị tư vấn đã nêu các tính toán về phương án đầu tư.

Cụ thể, đến năm 2030, hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đầu tư và đầu tư các xây dựng các đoạn ưu tiên trên tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - TP.HCM đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang.

Đối với 2 đoạn tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang, tổng chiều dài là 651km, vận tốc thiết kế là 350 km/h. Đơn vị tư vấn cho rằng 2 đoạn tuyến này có thể khai thác năm 2030 nếu nhu cầu vận tải cao hoặc năm 2032 nếu nhu cầu thấp.

Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu phát triển đến năm 2030 mạng đường sắt quốc gia đáp ứng nhu vận chuyển. Tập trung nâng cấp, cải tạo, đảm bảo an toàn chạy tàu các tuyến đường sắt hiện có, ưu tiên các tuyến đang khai thác hiệu quả như Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng; đường sắt khu đầu mối Hà Nội, TP.HCM…

Giai đoạn này cũng sẽ xây mới 7 tuyến đường sắt và hoàn thiện tuyến cũ như Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; vành đai phía đông Hà Nội (Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Yên Viên - Bắc Hồng); tuyến kết nối cảng Lạch Huyện (Hải Phòng); kết nối ga Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu; Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Gia; TP HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ.

Đến năm 2050, ngành giao thông sẽ đầu tư tiếp đường sắt tốc độ cao đoạn Vinh - Nha Trang và xây dựng mới các tuyến như Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Dĩ An - Lộc Ninh, Tháp Chàm - Đà Lạt. Đồng thời, nghiên cứu các đoạn đường sắt Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Hạ Long, Đắk Nông - Bình Thuận, Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột, Cần Thơ - Cà Mau...

Báo cáo nêu rõ, tầm nhìn đến năm 2050 cơ bản đầu tư, hoàn thiện mạng đường sắt quốc gia; đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; các tuyến đường sắt kết nối Đồng bằng Sông Cửu Long; Tây Nguyên; các tuyến kết nối quốc tế với Lào, Campuchia, Trung Quốc; các tuyến đường sắt xây dựng mới khác trên hành lang vận tải có khối lượng lớn, tuyến kết nối với các trung tâm kinh tế, cảng biển lớn…

Ở khu vực phía Nam, mới đây Viện Khoa học và công nghệ Phương Nam đã gửi Bộ Giao thông vận tải đề xuất về Dự án tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ sau 7 năm nghiên cứu.

Tổng chiều dài toàn tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ là 134,9km, đi qua 5 tỉnh, thành gồm: TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ với 9 nhà ga có điểm đầu là ga Tân Kiên (TP.HCM) và điểm cuối là ga Cần Thơ (TP Cần Thơ).

Ngoài ra, còn có tuyến nhánh từ ga Thanh Phú (Long An) đi cảng Hiệp Phước và cảng quốc tế Long An dài 44km, đi qua TP.HCM, Long An.

Đáng chú ý, Viện Khoa học và công nghệ Phương Nam đề xuất dự án đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) với tổng mức đầu tư khoảng 10 tỷ USD và do tư nhân "rót" vốn 100%.

Trong đó, tuyến chính TP.HCM - Cần Thơ hơn 4,4 tỷ USD, tuyến nhánh Thanh Phú - Hiệp Phước 791,35 triệu USD; 4,6 tỷ USD còn lại dành để đầu tư ga đô thị và các hạng mục khác.

Với loại hình đường sắt tốc độ cao, khổ đường đôi 1.435mm, kết hợp vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ tối đa của tàu khách là 200km/h và tàu hàng là 150km/h.