Năm 2022 là trọng tâm trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế

Thế Hưng

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định, 5 nhóm giải pháp của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sẽ được tập trung vào năm 2022-2023.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã thông tin về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình lên Chính phủ và Quốc hội tại phiên họp cuối năm nay. Chương trình phục hồi kinh tế gồm 5 nhóm giải pháp chủ yếu về y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp, kích thích đầu tư công và giải pháp hành chính.

Năm 2022 là trọng tâm trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - 1

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương thông tin về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế (Ảnh: Quốc Chính).

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định, 5 nhóm giải pháp cơ bản bao quát hết các lĩnh vực cần được hỗ trợ, cũng như mấu chốt của nền kinh tế để hướng tới phục hồi nhanh và phát triển sau khi phục hồi.

Do đó, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, các nhóm giải pháp này đủ mạnh để phục hồi và phát triển kinh tế.

Thời gian triển khai được Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến báo cáo Chính phủ trình Quốc hội áp dụng là khoảng 2 năm, tập trung chủ yếu vào năm 2022-2023 và có định hướng phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025. "Tùy tình hình diễn biến của dịch bệnh, chương trình phục hồi có thể kéo dài thêm", ông Phương nói.

Lấy dự án cao tốc Bắc-Nam làm ví dụ về các dự án có thể cần thêm thời gian, ông Trần Quốc Phương cho hay, trong vòng 2 năm, đối với dự án quy mô lớn như vậy rất khó hoàn thiện. 

Đánh giá về tính khả thi của chương trình phục hồi, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng,  cần quan tâm tới ba nội dung: Giải pháp đủ mạnh - Thời gian đủ dài - Quy mô đủ lớn. Các nội dung này có liên hệ chặt chẽ với nhau. Bởi, giải pháp mạnh sẽ tốn kém chi phí nhưng thời gian thực hiện nhanh. Song, nếu kinh phí có giới hạn thì thời gian phải kéo dài thêm.

Hiện tại, quy mô cụ thể của Chính sách tài khóa chưa được thông qua. Tuy nhiên, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, công cụ để thực hiện các giải pháp phục hồi sẽ chủ yếu tập trung vào công cụ tài khóa, tiền tệ, kết hợp việc huy động các quỹ nhà nước ngoài ngân sách, quỹ của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khu vực tư nhân cũng được huy động trong các dự án đầu tư công theo phương thức đối tác công tư. 

Qua gần 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tình hình dịch bệnh kiểm soát được trên phạm vi toàn quốc, tình hình kinh tế-xã hội khởi sắc với nhiều điểm sáng.

Tuy nhiên, Chính phủ và các cơ quan liên quan sẽ tích cực hoàn thành việc xây dựng dự thảo đề án về Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 và dự thảo đề án về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện có dịch Covid-19.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm