Năm 2020 sẽ cổ phần hoá TKV, giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước xuống 65%

(Dân trí) - Trong giai đoạn tiếp theo, TKV đặt mục tiêu thực hiện cổ phần hoá Công ty mẹ - Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam. Theo đó, Nhà nước sẽ nắm giữ 65% vốn điều lệ, thời gian cổ phần thực hiện vào năm 2020.


TKV đặt mục tiêu thực hiện cổ phần hoá công ty mẹ vào năm 2020.

TKV đặt mục tiêu thực hiện cổ phần hoá công ty mẹ vào năm 2020.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa có tờ trình về việc đề nghị phê duyệt Đề án tiếp tục tái cơ cấu TKV giai đoạn 2017 - 2020.

Trong giai đoạn 2012-2015, TKV đã hoàn thành cổ phần hoá 11/11 doanh nghiệp (đạt 100% kế hoạch) theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, thoái vốn ngoài ngành tại 6/8 công ty, trong số 2 công ty còn lại thì đã có 1 đơn vị thu hồi được khoảng 86% tổng vốn đầu tư; thoái vốn trong ngành 5/7 đơn vị, chuyển nhượng 2 dự án đầu tư tại nước ngoài. Tổng số tiền thoái vốn tại lĩnh vực bảo hiểm, tài chính ngân hàng và tại các đơn vị trong ngành thu về 2.009 tỷ đồng, thặng dư 398 tỷ đồng.

Theo tờ trình, trong giai đoạn tiếp theo, TKV đặt mục tiêu thực hiện cổ phần hoá Công ty mẹ - Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam. Theo đó, Nhà nước sẽ nắm giữ 65% vốn điều lệ, thời gian cổ phần thực hiện vào năm 2020.

Đồng thời, tiếp tục sắp xếp các chi nhánh thuộc công ty mẹ theo hướng giảm đầu mối, chuyên môn hoá hoạt động. Cụ thể, sẽ hợp nhất Công ty xây dựng hầm lò 1 và Công ty xây dựng mỏ hầm lò II thành Công ty Xây lắp mỏ - TKV; Sáp nhập Công ty than Hồng Thái vào Công ty than Uông Bí; Sáp nhập Công ty kho vận Hòn Gai vào Công ty tuyển than Hòn Gai…

Đối với công ty con và công ty liên kết, TKV cũng sẽ thực hiện thu gọn đầu mối và thoái vốn ở các dự án hiệu quả thấp và các lĩnh vực không phải lĩnh vực kinh doanh chính hoặc liên quan đến lĩnh vực kinh doanh chính.

Theo đánh giá của TKV, cơ cấu tổ chức hiện tại của tập đoàn dù đã thực hiện tái cơ cấu theo hướng tinh gọn nhưng vẫn còn nhiều đầu mối, một số đơn vị còn manh mún, lao động đông, năng suất lao động tăng chậm; chưa tự chủ được hoàn toàn về công nghệ và thiết bị khai thác than, còn phụ thuộc nhiều vào nhà cung cấp nước ngoài.

Bên cạnh đó, hệ thống quản lý và điều hành trong các lĩnh vực sản xuất, đầu tư, kiểm soát chi phí sản xuất, kinh doanh than, khoáng sản còn có những điểm hạn chế; Kết cấu hạ tầng giao thông và bến cảng chưa đảm bảo cho các dự án đầu tư khai thác bauxite tại Tây Nguyên cũng như cho hoạt động nhập khẩu, chế biến, pha trộn than.

Trải qua nhiều năm khai thác, đến nay điều kiện khai thác than ngày càng phức tạp, khó khăn do xuống sâu và đi xa hơn vào trong lòng đất, khai thác lộ thiên có điều kiện thuận lợi ngày càng giảm, khó tiêu thụ… Trong khi đó, các tập đoàn kinh doanh than và khoáng sản đa quốc gia sẽ đầu tư vào thị trường Việt Nam theo lộ trình hội nhập thế giới, làm cho môi trường cạnh tranh ngày càng khó khăn, phức tạp hơn.

Chính sách vĩ mô của Nhà nước liên quan tới hoạt động kinh doanh khoáng sản như: chính sách thuế, phí, tiền lương, bảo hiểm xã hội… thay đổi theo hướng chi phí ngày càng tăng cao. Trong khi các vấn đề môi trường, sụt lún đang ngày càng cấp bách và đòi hỏi đầu tư lớn để giảm thiểu tác động.

“Trước những nguy cơ, thách thức về sự suy giảm sức cạnh tranh của TKV trên thị trường do những nguyên nhân nội tại như điều kiện sản xuất than ngày càng khó khăn, vận chuyển phải đi xa hơn, lao động đông, năng suất tăng chậm, lợi nhuận suy giảm… TKV buộc phải tiếp tục tái cơ cấu tổ chức và quản trị doanh nghiệp”, TKV nhấn mạnh.

Phương Dung