Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường giám sát hoạt động của TKV
(Dân trí) - Yêu cầu TKV phải đánh giá kết quả, tồn tại, nguyên nhân, thực trạng tình hình của tập đoàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giao các Bộ: Công Thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường giám sát hoạt động của tập đoàn này.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh năm 2015, 2016 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Thông báo kết luận nêu rõ, sản xuất kinh doanh năm 2015 của TKV giảm sút nhiều, một số dự án đầu tư kém hiệu quả, chưa thu hồi vốn đầu tư...
Trong khi đó, ngành than có vị trí quan trọng đối với đất nước và tỉnh Quảng Ninh, việc xây dựng TKV và Tổng công ty Đông Bắc phát triển bền vững trong điều kiện thị trường, cạnh tranh sẽ góp phần vào tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Trên cơ sở báo cáo giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2015 đối với TKV của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng yêu cầu TKV tiếp thu, xây dựng Báo cáo tổng thể, đầy đủ và hoàn chỉnh về tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính, đầu tư, dòng tiền, cơ chế quản lý tập đoàn và các công ty con, quản trị; sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp đến thời điểm 31/12/2016.
Tập đoàn này cũng được yêu cầu phải đánh giá kết quả, tồn tại, nguyên nhân, thực trạng tình hình của TKV và những giải pháp cơ bản nhất về quan điểm, định hướng tái cơ cấu; kiến nghị, đề xuất.
Báo cáo hoàn thành và gửi Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan trước ngày 25/3/2017 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng giao các Bộ: Công Thương, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường giám sát hoạt động của TKV; nghiên cứu, xử lý kịp thời các kiến nghị của TKV và Tổng công ty Đông Bắc.
Về hiệp thương giá bán than cho sản xuất điện và phân bón: Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, phân tích kỹ các yếu tố chi phí đầu vào của sản xuất, tiêu thụ than để xác định giá hiệp thương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/3/2017.
Trước đó, báo cáo thanh tra TKV năm 2015 của Bộ Tài chính cho thấy, lợi nhuận chưa phân phối của TKV tại thời điểm cuối năm 2015 âm 478 tỷ đồng, nợ phải trả vượt 100.000 tỷ đồng, vượt 2,6 lần vốn chủ sở hữu; hoạt động đầu tư tài chính dài hạn của công ty mẹ cũng như các công ty thành viên đang rơi vào thua lỗ. Có 3/6 doanh nghiệp đầu tư tài chính dài hạn chưa hiệu quả.
Công ty mẹ - tập đoàn TKV, đầu tư tài chính dài hạn tại 31/12/2015 là 15.729 tỷ đồng vào 59 công ty con, công ty liên kết. Năm 2015, có 50 công ty kinh doanh có lãi với số tiền đạt 654 tỷ đồng, cổ tức và lợi nhuận được chia là 98,6 tỷ đồng. Trong khi đó, có 9 công ty kinh doanh thua lỗ với số tiền 594 tỷ đồng. Có 11 công ty kinh doanh lỗ luỹ kế lên tới 1.407 tỷ đồng
Tổng công ty Khoáng sản TKV đầu tư dài hạn tại thời điểm 31/12/2015 là 720,5 tỷ đồng, vào 18 công ty. Năm 2015, có 11 công ty kinh doanh có lãi với số tiền 71,8 tỷ đồng, cổ tức và lợi nhuận được chia là 12 tỷ đồng. Nhưng đồng thời có tới 7 công ty kinh doanh thua lỗ tổng cộng 124 tỷ đồng.
Bích Diệp