1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Năm 2019, tiêu thụ xe tại Việt Nam có thể chạm ngưỡng 400.000 xe/năm

(Dân trí) - Sức tăng trưởng mạnh mẽ của xe nhập khẩu đã bù đắp sự giảm sút tiêu thụ xe lắp ráp trong nước và giúp doanh số bán xe hơi của Việt Nam cả năm 2019 tăng cao nhất từ trước đến nay, có thể chạm ngưỡng 400.000 chiếc/năm.

Con số được Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố cho biết, hết tháng 11/2019, cả nước tiêu thụ được gần 290.000 chiếc xe hơi, nếu tính thêm nhà sản xuất, lắp ráp xe hơi lớn của Việt Nam là Hyundai Thành Công, tổng số xe tiêu thụ của cả nước đạt trên 351.000 chiếc. 

Đáng chú ý, đây vẫn chưa phải là số liệu thống kê doanh số đầy đủ của các hãng xe vì còn thiếu doanh số bán hàng của các hãng xe ngoài VAMA là các hãng xe nhập hoặc ông lớn xe Việt (VinFast)... Con số ước tính tới thời điểm hết tháng 12/2019, cả nước có thể chạm ngưỡng tiêu thụ hơn 400.000 chiếc xe/năm, con số cao hơn khá nhiều so với năm 2018.

Năm 2019, tiêu thụ xe tại Việt Nam có thể chạm ngưỡng 400.000 xe/năm - 1

Người Việt bắt đầu mua xe nhiều hơn trước, doanh số bán xe năm 2019 có thể chạm ngưỡng 400.000 chiếc/năm

Năm 2018, tổng lượng tiêu thụ xe hơi của toàn thị trường Việt Nam theo báo cáo của các Hiệp hội, cơ quan chuyên môn là vào khoảng 289.000 chiếc; năm 2017, con số này là 273.000 chiếc.

Như vậy, rõ ràng lượng xe tiêu thụ trong năm nay đã có bước nhảy vọt tăng trên 100.000 chiếc/năm so với năm trước, con số mà nhiều năm trước thị trường xe không đạt được.

Sở dĩ có doanh số cao là bởi xe nhập có tăng trưởng mạnh ở Việt Nam, hết tháng 11/2019, cả nước nhập trên 119.400 chiếc (con số của Tổng cục Hải quan ghi nhận là 133.000 chiếc, cao hơn 14.000 chiếc so với thống kê của VAMA), tăng rất mạnh 98% so với cùng kỳ năm trước (gần 60.000 chiếc).

Ở chiều ngược lại, do khó khăn về cạnh tranh, các doanh nghiệp xe lắp ráp trong nước bị giảm lượng bán ra, 11 tháng của năm 2018 bán ra được hơn 194.300 chiếc, nhưng cùng kỳ năm 2019 chỉ bán được gần 170.000 chiếc, giảm hơn 24.300 chiếc.

Nếu trường hợp xe lắp ráp trong nước giữ vững được lượng bán ra như mọi năm, chắc chắn tổng doanh số tiêu thụ xe hơi của thị trường Việt Nam đã chạm đến ngưỡng nửa triệu xe.

Theo các nhà chuyên môn, lượng tiêu thụ xe hơi Việt có tăng song vẫn chậm và khiêm tốn so với nhu cầu của rất đông người dân mong mỏi chiếc xe hơi. Mặc dù giá xe tại Việt Nam có giảm, song mức giảm thấp và để lăn bánh chiếc xe, người dân Việt Nam vẫn bỏ ra vài năm thu nhập mới đủ để trả chi phí chiếc xe.

Giá xe đắt đỏ khiến thị trường xe hơi có phát triển song vẫn ở giới hạn nhất định. Trong khi đó, do chi phí sản xuất, công lắp ráp cao nên xe trong nước vẫn có giá thành cao hơn từ 10% đến 20% so với các nước trong khu vực. Chính vì vậy, đây là hai yếu tố tạo rào cản để thị trường xe Việt thực sự bùng nổ về lượng.

Ở thị trường xe nhập, theo cáo trị giá tính thuế hải quan, các dòng xe nhập về Việt Nam từ các nước như Thái Lan, Indonesia đều có giá thấp dưới 500 triệu đồng/chiếc; có mẫu xe chỉ có giá 300 triệu đồng. Tuy nhiên, khi về Việt Nam, các mẫu xe nhập được các hãng, đại lý nâng giá để phù hợp với mức giá sàn, để tối đa hoá lợi nhuận. 

Mặc dù Việt Nam bỏ thuế nhập xe hơi từ ASEAN (chủ yếu nhập từ Thái Lan, Indonesia…) song giá xe nhập từ năm 2018 đến nay vẫn không có nhiều đợt hạ giá bán. 

Thị trường tiêu thụ xe hơi được xem là cơ hội sống còn cho các hãng xe bởi đây là đầu ra cho các hãng xe. Dù có nhích tăng thêm doanh số, song thị trường xe Việt vẫn rất thấp so với Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines.

Thái Lan hiện có sản lượng xe hơn 2,5 triệu chiếc/năm và tiêu thụ xe gần 2 triệu chiếc/năm; các nước như Indonesia, cũng có lượng tiêu thụ 2 triệu chiếc năm; lượng tiêu thụ xe tại Malaysia và Philippines có thấp hơn từ 700.000 chiếc/năm đến hơn 1 triệu chiếc/năm.

Việt Nam hiện đã có vài doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, lắp ráp độc quyền các mẫu xe hơi trong nước như Trường Hải (Thaco), Thành Công (TCMotor), VinFast, bên cạnh đó có các liên doanh toàn cầu như Honda, Toyota, Ford, Mercedes… Tuy nhiên, đa số đều là doanh nghiệp có sức cạnh tranh yếu so với các đối thủ từ khu vực.

Các doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn phải chịu thuế nhập khẩu linh kiện, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện và xe lắp ráp nguyên chiếc, điều này được các doanh nghiệp cho là tăng chi phí, khiến xe Việt đắt hơn nhiều so với xe nhập, không thể cạnh tranh được với các loại xe đã bỏ thuế từ Thái Lan, Indonesia vào Việt Nam.

An Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm