Năm 2018, năng suất bình quân của lao động Việt sẽ đạt trên 100 triệu đồng/người/năm
(Dân trí) - Đây là khẳng định của ông Dương Mạnh Hùng, Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) tại Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2018 diễn ra sáng nay (28/9).
Theo ông Hùng, theo thống kê tăng trưởng không chỉ cao mà chất lượng được cải thiện. Cụ thể, đóng góp của các nhân tố tổng hợp (TFP) và năng suất lao động vào GDP ngày càng tăng.
Năm nay, tăng trưởng đạt 6,7% thì đóng góp TFP hơn 40,23%, vốn là 50%, đóng góp của lao động 9,77%. Tính chung giai đoạn 2016-2018, đóng góp TFP 42,18%, cao hơn gần 10 điểm phần trăm so với 2011-2015 (33,58%). Điều này cho thấy, đóng góp của khoa học công nghệ, quản lý cải thiện đáng kể.
Năng suất lao động cũng được nâng lên, ông Hùng dự tính: "Năng suất lao động ước tính sẽ đạt trên 100 triệu đồng/lao động/năm vào năm 2018).
Ông này cho rằng, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, quý IV năm 2018 sẽ đạt tăng trưởng GDP 6,11%. Các năm trước quý IV đều tăng GDP hơn các quý trước. Như vậy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 6,7% là hoàn toàn khả thi.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2018 ước tính tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước, tuy thấp hơn mức tăng 7,45% của quý I nhưng cao hơn mức tăng 6,73% của quý II, cho thấy nền kinh tế vẫn giữ được đà tăng trưởng.
Trong đó, GDP 9 tháng cao nhất từ 2011, ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 trở về đây.
9 tháng đầu năm 2018 cả nước có 96.611 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 963,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% về số DN và tăng 6,7% về số vốn so với cùng kỳ năm 2017; vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 10 tỷ đồng, tăng 3,8%.
Khẳng định kinh tế - xã hội nước ta trong quý III và 9 tháng năm 2018 đạt được kết quả tích cực, tuy nhiên, ông Lâm cho rằng, nền kinh tế nước ta còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng gia tăng, tạo áp lực lớn đến điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất, lạm phát và sản xuất trong nước.
Đặc biệt, nền kinh tế nước ta có độ mở tăng nhanh. 9 tháng năm 2018 là 229,5%, cao hơn 9 tháng năm 2016 là 199,7%, 215,9% năm 2017.
"Với độ mở lớn và có xu hướng tăng sẽ khiến nền kinh tế Việt Nam dễ bị cuốn vào vòng xoáy của những biến động kinh tế thế giới", Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định.
Nguyễn Tuyền