1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Năm 2017, tăng trưởng của Việt Nam sẽ cao hơn?

(Dân trí) - Theo dự báo của World Bank, tăng trưởng trong năm 2017 sẽ đạt khoảng 6,3% (cao hơn năm 2016) và lạm phát trung bình cả năm sẽ khoảng 4%, tuy cao hơn năm 2016 nhưng vẫn được đánh giá là thấp.

World Bank khá lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung hạn
World Bank khá lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong trung hạn

Dự báo tăng trưởng 6,3% năm 2017

Theo báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á – Thái Bình Dương vừa được Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) công bố hôm nay (13/4/2017), tổ chức này đánh giá, triển vọng của Việt Nam trong trung hạn vẫn thuận lợi. Tăng trưởng GDP dự kiến tăng dần trong các năm 2017 - 2019, chủ yếu do sức cầu mạnh trong nước và các hoạt động chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu. Áp lực lạm phát nhìn chung ở mức thấp do giá năng lượng và giá thương phẩm toàn cầu đang giảm.

Tốc độ tăng trưởng trong năm nay dự báo đạt 6,3%, nhích nhẹ so với mức 6,2% của năm 2016 trước khi tăng lên 6,4% năm 2018 và 2019. Lạm phát trung bình cả năm khoảng 4% (năm 2016 là 2,7%).

WB cũng cho rằng, tình hình ngân sách của Việt Nam sẽ được củng cố phần nào trong thời gian tới, bên cạnh đó quá trình thoái vốn sẽ tăng nhanh, nhưng sẽ được triển khai dần dần nhằm kiềm chế tăng nợ công. Thâm hụt ngân sách sẽ giảm còn 6,2% GDP và sẽ giảm dần về mức 5,9% năm 2018 và 5,3% năm 2019.

Trước đó, trong năm 2016, hoạt động kinh tế ở Việt Nam bị chững lại. Nguyên nhân chủ yếu do sụt giảm trong các ngành nông nghiệp và khai khoáng, trong khi sản lượng chế tạo chế biến và dịch vụ tăng trưởng tốt.

Tăng trưởng kinh tế được duy trì với mức lạm phát vừa phải và tình hình kinh tế đối ngoại đang vững lên. Lạm phát sau khi giảm xuống mức kỷ lục năm 2015 đã tăng dần trở lại, chủ yếu do các đợt tăng học phí và dịch vụ y tế của Nhà nước, nhưng lạm phát lõi vẫn ở mức thấp còn lạm phát chung nằm dưới chỉ tiêu chính thức là 5%.

Tốc độ tăng tín dụng đã có lúc gấp đôi tăng trưởng GDP

Năm 2016, mặc dù môi trường kinh tế đối ngoại không thuận lợi, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (theo giá hiện hành) vẫn tăng trưởng 9%, cao hơn hầu hết các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Tăng trưởng xuất khẩu, kết hợp với nhập khẩu chững lại, dẫn đến thặng dư thương mại, khiến cho thặng dư tài khoản thanh toán vãng lai tăng từ 0,5% GDP năm 2015 lên hơn 3% năm 2016.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là động lực chính về tăng trưởng kinh tế nói chung và xuất khẩu nói riêng của Việt Nam. Dòng vốn FDI đạt kỷ lục năm 2016 ở mức gần 16 tỷ US$ (7,7% GDP).

Tỷ giá năm qua tương đối ổn định, mặc dù VND bắt đầu có hiện tượng mất giá vào cuối năm 2016. Ngân hàng Nhà nước đã từng bước khôi phục được dự trữ ngoại hối, mặc dù vẫn ở mức tương đối thấp khoảng 2,8 tháng nhập khẩu vào cuối năm 2016. Trong bối cảnh đồng USD mạnh lên và hầu hết đối tác thương mại chính của Việt Nam đều giảm mạnh tỷ giá, khả năng VND tăng giá thực và khả năng ảnh hưởng tiêu cực của nó đến năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam vẫn là một quan ngại.

Mặc dù lãi suất chính sách vẫn không thay đổi, tăng trưởng tín dụng vẫn tăng cao. Tăng trưởng tín dụng lên đến khoảng 19% (so với cùng kỳ năm trước) vào tháng 12/2016. Tốc độ tăng tín dụng - trên gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng GDP (theo giá hiện hành) - cho thấy có lý do cần quan ngại, đặc biệt vì tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam (trên dưới 120% vào tháng 12/2016) hiện đã rất cao trong khi áp lực nợ xấu trong quá khứ còn chưa được giải tỏa đủ.

Bội chi ngân sách cao và kéo dài trong những năm qua. Bội chi ngân sách bình quân ở mức 5,5% GDP trong giai đoạn 2011 - 2016, so với 2,2% GDP trong giai đoạn 2006 - 2010. Số liệu sơ bộ cho thấy ngân sách vẫn tiếp tục chịu áp lực trong năm 2016, với mức bội chi ước tính khoảng 6,5% GDP (bao gồm cả các khoản chi ngoài ngân sách). Bội chi ngân sách cao và kéo dài là lý do chính khiến cho nợ công tăng lên, dự kiến sẽ chạm mức trần quy định là 65% GDP vào cuối năm 2016.

Bích Diệp