"Năm 2014, thuế phí đóng góp ngân sách 18-19% GDP"

(Dân trí) - Cùng với việc yêu cầu kiên quyết chống thất thu thuế, Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra mục tiêu cho năm tới với mức tăng trưởng GDP đạt khoảng 6% và lạm phát cả nước kiềm chế trong phạm vi 7% vào năm 2014.

Những dựa án cấp thiết được ưu tiên hoàn thành.
Những dựa án cấp thiết được ưu tiên hoàn thành.

Mục tiêu GDP tăng trưởng 6%, lạm phát kiềm chế trong 7%

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.

Theo đó, riêng về lĩnh vực kinh tế, Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2013-2020.  Nhiệm vụ của các bộ, ngành là phải tập trung rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế. 

Mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong năm 2014 được nêu tại Chỉ thị vào khoảng 6%.

Ngoài ra, cũng tại văn bản này, người đứng đầu Chính phủ lưu ý, trong năm tới cơ quan điều hành sẽ tăng cường huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển nền kinh tế; tập trung nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội hóa từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ.

Theo yêu cầu của Thủ tướng, chính sách tiền tệ sẽ hướng tới mục tiêu ổn định giá trị VND và bảo đảm cung ứng vốn một cách có hiệu quả cho nền kinh tế, góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô với chỉ số lạm phát được kiềm chế trong khoảng 7%. 

Ở mục tiêu này, Thủ tướng giao nhiệm vụ, tiếp tục lành mạnh hóa thị trường tiền tệ, giảm dần tỷ lệ nợ xấu. Đẩy mạnh các kênh huy động vốn ngoài hệ thống ngân hàng. Triển khai có hiệu quả Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam và thực hiện tốt Đề án cơ cấu lại các ngân hàng thương mại.

Trong khi đó, chính sách tài khóa phối được hoạch định phối hợp hiệu quả với chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, vẫn tăng cường quản lý ngân sách Nhà nước, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước và tăng cường quản lý thị trường, giá cả.

Quyết liệt chống thất thu thuế

Chỉ thị nêu rõ, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2014 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá sát khả năng thực hiện thu ngân sách năm 2013, dự báo tình hình đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh và hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu năm 2014.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu, trong năm tới phải tăng cường theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ số thuế phải nộp; chỉ đạo quyết liệt chống thất thu, thu số thuế nợ đọng từ các năm trước, các khoản thu từ các dự án đầu tư đã hết thời gian ưu đãi, các khoản thu được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán...

Trên cơ sở đó, mục tiêu huy động vào ngân sách nhà nước năm 2014 từ thuế, phí khoảng 18-19% GDP. Dự toán thu nội địa phấn đấu tăng bình quân khoản 12-13% so với đánh giá ước thực hiện năm 2013. Dự toán thu từ họat động xuất nhập khẩu phấn đấu tăng bình quân khoảng 8-9% so với đánh giá ước thực hiện năm 2013.

Đối với dự toán chi ngân sách nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương quán triệt quan điểm triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm cần thực hiện năm 2014, lập dự toán chi ngân sách nhà nước theo đúng các quy định pháp luật về chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách hiện hành.

Đối với các chương trình, dự án, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cần chủ động sắp xếp thứ tự ưu tiên theo mức độ cấp thiết, khả năng triển khai trong năm 2014 để hoàn thành nhiệm vụ chính trị trên cơ sở nguồn lực ngân sách nhà nước được phân bổ.

Thủ tướng cũng yêu cầu, trong từng ngành, từng lĩnh vực, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án, công trình đã hoàn thành và đã bàn giao, đưa vào sử dụng trước năm 2014 nhưng chưa bố trí đủ vốn; thanh toán nợ xây dựng cơ bản; các dự án dự kiến hoàn thành năm 2014; vốn đối ứng cho các dự án ODA theo tiến độ thực hiện dự án; các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 nhưng chưa được bố trí đủ vốn để hoàn thành, phát huy hiệu quả.

Bích Diệp