1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Mỹ - Trung tranh giành quyền lực: Kịch bản nào cho Việt Nam?

(Dân trí) - Trong khi thị trường chứng khoán Việt Nam khó tránh khỏi bất lợi thì căng thẳng ngày càng “leo thang” giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến các nhà sản xuất Mỹ dịch chuyển nhà máy hoặc đặt hàng tại Việt Nam.

Tại một báo cáo vừa công bố hôm nay (9/10), ông Anirban Lahiri, Giám đốc Khối phân tích của Công ty chứng khoán VNDirect đã nêu ra góc nhìn về vấn đề lạm phát tại Mỹ, cuộc chiến quyền lực giữa Mỹ - Trung Quốc và ảnh hưởng của những vấn đề trên đối với Việt Nam.

Cuộc tranh giành quyền lực ngày càng gay gắt

Ông Anirban cho biết, lo ngại về việc lạm phát đang được nhập khẩu vào Mỹ (do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang) đã khiến cho Fed đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất.

Thực tế, giới đầu tư đã không phải chờ quá lâu để kỳ vọng về lãi suất tăng thành hiện thực – Lợi suất tín phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng lên 3,232%, mức cao nhất trong 7 năm qua. Điều này có thể xuất phát từ kỳ vọng lạm phát gia tăng, nhưng cũng có thể do các nhà đầu tư trông chờ vào báo cáo việc làm tích cực của Mỹ trong tuần vừa rồi.

Các báo cáo gần đây về việc chính phủ Trung Quốc có liên quan đến việc con chip siêu nhỏ được gắn lên các bo mạch máy chủ và gửi sang cho các công ty của Mỹ hiện vẫn chưa được xác nhận bởi các công ty là mục tiêu trong vụ việc này (ví dụ: Amazon và Apple). Tuy nhiên, vụ việc này đã làm dậy sóng những chất vấn tại Washington.

Dựa vào những cáo buộc của Chính quyền Tổng thống Trump về sự can thiệp của Trung Quốc trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ và cuộc đối đầu giữa hải quân Mỹ và Trung quốc trên Biển Đông vào đầu tuần này, ông Anirban cho rằng, cả Bắc Kinh và Washington đều đang không có ý định nhượng bộ.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung đang leo thang
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung đang leo thang

Trong khi một số nhà quan sát cho rằng việc đàm phán NAFTA đã khép lại gần đây sẽ thúc đẩy đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong tháng 11, vị chuyên gia vẫn nghi ngờ chiến tranh thương mại chỉ là một động thái trong cuộc tranh giành quyền lực ngày càng gay gắt.

“Vì vậy, kịch bản cơ sở của tôi là việc áp thuế đối với Trung Quốc sẽ tiếp tục được duy trì thời gian tới và do đó, lạm phát nhập khẩu vào Mỹ sẽ là mối đe dọa thực sự. Cùng với việc tăng chi phí lao động, có thể thấy rằng lạm phát đang biểu hiện rõ hơn. Fed sẽ không duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ lâu hơn nữa”, Anirban Lahiri nhận định.

Theo ông, Trung Quốc vẫn có thể lùi bước trong chiến tranh thương mại vào tháng 11 nhưng với động thái như thế nào để phù hợp với tư cách “nước lớn” thì vẫn là một dấu hỏi.

“Tôi không hy vọng điều này sẽ xảy ra, nhưng ngay cả khi có thỏa thuận thương mại mới thì chiến tranh thương mại gần đây sẽ thức tỉnh các nhà quản lý chuỗi cung ứng tại Mỹ về việc thúc đẩy chiến lược “Trung Quốc + 1” do căng thẳng có thể nổi lên bất cứ lúc nào trong tương lai”, vị chuyên gia cho hay..

Việt Nam vừa bất lợi vừa… hưởng lợi!

Những vấn đề nói trên sẽ ảnh hưởng ra sao đến kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam?

Ông Anirban cho rằng, định giá của thị trường mới nổi và cận biên dễ bị ảnh hưởng hơn trong bối cảnh lợi suất tăng và Fed có thể đẩy mạnh việc nâng lãi suất.

Theo ông, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ còn nhiều đợt điều chỉnh trong quý IV/2018 hoặc quý I/2019. Chuyên gia VNDirect cũng không loại trừ khả năng hệ số P/E của thị trường có thể giảm về mức 15-16x trong năm 2019.

Ở mặt khác, căng thẳng Mỹ Trung hiện đã vượt quá chiến tranh thương mại đơn thuần và còn liên quan đến an ninh quốc gia và bí mật công nghệ. Điều này có thể dẫn đến các hàng rào phi thuế quan đối với sản phẩm của Trung Quốc vào Mỹ, đặc biệt là thiết bị truyền thông và điện tử cũng như nguyên liệu sản xuất.

Vì Trung Quốc vẫn đang là công xưởng chính của thế giới trong hoạt động sản xuất linh kiện điện tử nên việc xóa bỏ ngay các chuỗi cung ứng này và chuyển sản xuất trở lại Mỹ sẽ là bất khả thi.

Việc từng bước di chuyển các nhà máy trong khi vẫn sử dụng một phần các sản phẩm từ Trung Quốc sẽ là lựa chọn khả thi duy nhất trong trung hạn. Về mặt này, theo ông Anirban, Việt Nam chắc chắc sẽ đứng đầu danh sách các điểm đến để di chuyển nhà máy hoặc đơn đặt hàng mới.

Dù vậy, vị chuyên gia cũng lưu ý rằng, bất cứ doanh nghiệp nào có ý định chuyển nhà máy lắp ráp sang Việt Nam cũng nên chắc chắn rằng họ đã kiểm tra kỹ càng những con chip có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Mai Chi

Mỹ - Trung tranh giành quyền lực: Kịch bản nào cho Việt Nam? - 2