Mỹ, Trung Quốc, EU tăng trưởng chậm lại, WB cảnh báo nguy cơ mới năm 2023

Nhật Linh

(Dân trí) - Theo Ngân hàng Thế giới (WB), thế giới có thể đang tiến đến một cuộc suy thoái toàn cầu khi các ngân hàng trung ương trên thế giới đồng loạt tăng lãi suất để chống lại lạm phát dai dẳng.

3 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu đang tăng trưởng chậm lại và thậm chí chỉ cần "một tác động vừa phải lên nền kinh tế toàn cầu trong năm tới cũng có thể gây ra suy thoái", WB cho biết trong một nghiên cứu mới.

Mỹ, Trung Quốc, EU tăng trưởng chậm lại, WB cảnh báo nguy cơ mới năm 2023 - 1

Theo WB, chỉ cần một tác động vừa phải lên nền kinh tế toàn cầu trong năm tới cũng có thể gây ra suy thoái (Ảnh minh họa: Getty).

Theo báo cáo của WB, nền kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn tăng trưởng chậm nhất sau giai đoạn phục hồi hậu suy thoái kể từ năm 1970. Niềm tin người tiêu dùng cũng giảm mạnh hơn so với thời kỳ suy thoái toàn cầu trước đó.

"Tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại một cách nhanh chóng và khả năng sẽ chậm hơn nữa khi nhiều quốc gia rơi vào suy thoái", Chủ tịch WB David Malpass nói. Ông lo rằng những xu hướng này sẽ kéo dài, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.

WB cho rằng, các đợt tăng lãi suất đồng loạt diễn ra trên toàn cầu và các hành động chính sách liên quan có thể sẽ tiếp tục trong năm tới nhưng có thể sẽ không đủ hạ nhiệt lạm phát về mức trước đại dịch.

Trừ phi xảy ra gián đoạn nguồn cung và áp lực lên thị trường lao động giảm xuống, tỷ lệ lạm phát lõi toàn cầu, không bao gồm giá năng lượng, có thể về mức khoảng 5% trong năm 2023, gần gấp đôi mức trung bình 5 năm trước đại dịch.

Để đưa lạm phát về mức thấp hơn, theo WB, các ngân hàng trung ương cần tăng lãi suất thêm 2 điểm phần trăm. Nhưng mức tăng đó cùng với căng thẳng trên thị trường tài chính sẽ làm tăng trưởng GDP toàn cầu chậm lại, xuống 0,5% vào năm 2023 hoặc giảm 0,4% GDP bình quân đầu người - một dấu hiệu kỹ thuật cho thấy suy thoái toàn cầu.

Ông Malpass nói các nhà hoạch định chính sách cần chuyển trọng tâm từ giảm tiêu dùng sang thúc đẩy sản xuất, bao gồm nỗ lực tăng đầu tư và năng suất sản xuất.

Những cuộc suy thoái trước đây cho thấy nguy cơ lạm phát sẽ tiếp tục leo thang trong một thời gian dài, trong khi tăng trưởng suy yếu. WB dẫn chứng cuộc suy thoái năm 1982 đã gây ra 40 cuộc khủng hoảng nợ và mở ra một thập kỷ giảm tăng trưởng ở nhiều nền kinh tế đang phát triển.

Phó chủ tịch WB Ayhan Kose nêu quan điểm, chính sách thắt chặt tiền tệ và tài khóa gần đây đã giúp cắt giảm lạm phát nhưng việc đồng bộ những biện pháp này có thể làm phức tạp thêm tình hình và làm giảm tốc độ tăng trưởng toàn cầu.

Theo nghiên cứu của WB, các ngân hàng trung ương có thể kiềm chế lạm phát mà không gây ra suy thoái toàn cầu bằng cách truyền đạt những quyết sách một cách rõ ràng. Các nhà hoạch định chính sách nên đưa ra kế hoạch tài khóa trung hạn đáng tin cậy và tiếp tục đưa ra các giải pháp hỗ trợ có mục tiêu cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương.

Theo Reuters