1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Mỹ ra dự luật "trục xuất" công ty Trung Quốc khỏi thị trường chứng khoán

(Dân trí) - Dự luật mới của Mỹ đưa ra có thể sẽ trục xuất các công ty Trung Quốc giao dịch công khai khỏi các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Điều này có thể sẽ phản tác dụng.

Mỹ ra dự luật trục xuất công ty Trung Quốc khỏi thị trường chứng khoán - 1

Nếu các công ty Trung Quốc rời khỏi các sàn chứng khoán của Mỹ, các cổ đông sẽ phải chịu nhiều ảnh hưởng vì khối lượng giao dịch bốc hơi sẽ làm giảm giá trị cổ phiếu.

Lâu nay, Trung Quốc luôn từ chối việc cho phép các tổ chức kiểm tra công ty của họ. Tuy nhiên, Dự luật - Đạo luật trách nhiệm của các công ty nước ngoài mà Mỹ dự định đưa ra sẽ yêu cầu các công ty nước ngoài buộc phải nộp các tài liệu sổ sách để kiểm toán. Nếu nó trở thành luật, các công ty Trung Quốc sẽ phải tuân thủ các quy tắc hoặc đối mặt với việc bị hủy bỏ niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ. Điều này sẽ khiến 1,3 nghìn tỷ USD của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, bao gồm cả các tập đoàn khổng lồ như Alibaba và Tencent, có nguy cơ mất quyền được tiến vào thị trường vốn lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, những người theo dõi chính sách và các nhà đầu tư cho biết các doanh nghiệp và quỹ đầu tư Mỹ có thể sẽ trở thành nạn nhân ngoài ý muốn nếu các công ty Trung Quốc bắt đầu rời khỏi Mỹ.

Dự luật trên đã được Thượng viện Mỹ thông qua vào ngày 20/5 và chờ đợi một cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện. Theo Dự luật, việc các công ty nước ngoài không cung cấp thông tin trong 3 năm liên tiếp sẽ bị cấm giao dịch cổ phiếu trên thị trường Mỹ.

Đối với các nhà quản lý quỹ của Mỹ - những người tích cực phân bổ vốn tại BlackRock, T Rowe Price và Vanguard – với số vốn đầu tư chung lên đến hàng chục tỷ USD vào các công ty Trung Quốc – thì đây có thể sẽ là một tin xấu đối với họ, bởi có thể họ sẽ mất khả năng tiếp cận dễ dàng với các công ty Trung Quốc – một nền kinh tế cường thịnh lớn thứ hai trên thế giới.

Nếu các công ty Trung Quốc bắt đầu rời khỏi các sàn giao dịch của Mỹ, các cổ đông sẽ phải chịu nhiều ảnh hưởng vì khối lượng giao dịch bốc hơi sẽ làm giảm giá trị cổ phiếu.

Từ bỏ việc đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc hoàn toàn không phải sự lựa chọn mong muốn của các nhà đầu tư Mỹ.

Rory Green, Nhà kinh tế Trung Quốc tại TS Lombard, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại New York cho biết: “Trong thị trường hiện nay của các nhà quản lý quỹ gần như không thể so sánh được với MSCI China [Index] nếu họ không sở hữu cổ phiếu của các công ty công nghệ đình đám của Trung Quốc như Alibaba hay Baidu, NetEase và JD.”

David Semple, một nhà quản lý danh mục đầu tư tại quỹ chiến lược VanEck EM Equity Strategic ở New York cho biết: “Những thay đổi trong điều luật này sẽ khiến các nhà đầu tư phải tranh giành nhau và mau chóng thu mua cổ phiếu của các công ty Trung Quốc trước khi các công ty này bị xóa bỏ khỏi sàn giao dịch Mỹ hoặc chuyển sang các sàn giao dịch khác.”

Khoản đầu tư của Semple vào các công ty Trung Quốc – bao gồm cả Alibaba và Tencent hiện đang chiếm tới 41% danh mục đầu tư của ông. Trung Quốc là quốc gia mà Semple đã đầu tư nhiều nhất và ông vẫn tiếp tục coi các cổ phiểu của công ty Trung Quốc là những công cụ đầu tư bắt buộc phải có trong danh mục của mình.

Các động thái gần đây của những công ty Trung Quốc vốn ưa thích thị trường Mỹ cho thấy đang có sự thay đổi trong suy nghĩ của họ. Alibaba, gã khổng lồ thương mại điện tử niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán New York đã bán 13 tỷ USD cổ phiếu của mình tại Hồng Kông vào tháng 11 năm ngoái.

Theo sau đó là JD.com vào tuần trước, khi JD lên kế hoạch bán cổ phiếu trị giá 4,1 tỷ USD tại Hồng Kông, nhu cầu mua cổ phiếu JD của các nhà đầu tư mạnh đến nỗi số lượng người đăng ký mua đã vượt quá số tiền 4,1 tỷ USD nhiều lần.

Nhu cầu kêu gọi vốn của các công ty Trung Quốc tại thị trường Mỹ hiện nay đã giảm đáng kể vì đại dịch Covid-19 và thái độ không được chào đón từ Washington.

Giờ đây, cộng thêm mối đe dọa từ một dự luật có khả năng cao sẽ được ban hành, Mỹ có lẽ đang góp phần tạo ra nhiều lý do để Bắc Kinh dịch chuyển sang các thị trường ở gần quê nhà của họ, thu hút đầu tư của các quốc gia Châu Á, một nhiệm vụ mà Trung Quốc đã cố gắng thực hiện nhưng vẫn chưa hoàn thành trong nhiều năm qua.

Đối với các công ty Trung Quốc, việc bàn giao mọi số liệu để kiểm toán dường như là điều không thể xảy ra.

Nhiều người lo ngại rằng sự thay đổi của các công ty Trung Quốc có thể sẽ khiến thị trường Mỹ kém mạnh mẽ và ít lợi nhuận hơn cho các nhà đầu tư.

Thùy Dung

Theo SCMP