Mỹ ngừng phản đối đồng tiền chung châu Á

Mỹ đã tỏ dấu hiệu cho thấy sẽ không chống lại những nỗ lực nhằm xây dựng đồng tiền chung châu Á, mở ra một trang sử mới sau hơn một thập kỷ nước này kiên quyết phản đối việc nhất thể hoá đơn vị tiền tệ ở châu lục này.

Các quan chức Mỹ cho biết động thái trên chứng tỏ Mỹ không còn lo ngại sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa những cường quốc kinh tế đang nổi lên ở châu Á trong việc thiết lập một đơn vị tiền tệ chung, đồng thời muốn đóng một vai trò mang tính xây dựng trong tiến trình này.

Việc Mỹ bật đèn xanh mang lại nhiều lợi thế cho Nhật Bản, nước đã từ lâu thúc đẩy việc thiết lập đồng tiền chung châu Á theo mô hình đồng tiền châu Âu, tiền thân của đồng euro hiện nay, mặc dù giữa các quốc gia trong khu vực vẫn còn nhiều nghi kỵ.

Hiện nay tuy vẫn còn nhiều trở ngại trên tiến trình thiết lập đồng tiền chung châu Á, như nhiều nước trong khu vực vẫn chưa thống nhất về việc kết nạp Đài Loan, thì quyết định của Mỹ và sự thay đổi trong chính sách châu Á của nước này là điều đáng chú ý.

Tín hiệu này được Tim Adams, thứ trưởng phụ trách quan hệ quốc tế của Bộ Tài chính Mỹ đưa ra trong phiên bế mạc Diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức tại Tokyo.

Trong khi ông Adams chỉ nói một cách chung chung thì Tạp chí Financial Times đã chộp lấy những lời bình luận của ông và giải thích một cách rõ ràng lập trường quan điểm của Mỹ đối với vấn đề đồng tiền chung châu Á. Theo như nhũng gì ông Adams nói thì dường như Mỹ vẫn còn chưa có thái độ rõ ràng đối với vấn đề này: “Chúng tôi không coi đồng tiền chung của châu Á là một đối thủ cạnh tranh với đồng USD”.

Theo lời ông Adams, nước Mỹ hiện có cách nhìn cởi mở hơn, “chúng tôi rất quan tâm đến những đề xuất hợp tác trong lĩnh vực tiền tệ ở châu Á ”. Ông Adams đưa ra những lời bình luận như một sự giải thích rõ ràng hơn chứ không phải là một sự thay đổi trong chính sách của Mỹ. Các nhà lãnh đạo của Mỹ đều cho rằng nước Mỹ chống lại tiến trình nhất thể hoá tài chính tiền tệ trong khu vực, và Mỹ đang muốn thay đổi quan điểm này.

Theo Nhật Vy
VietNamnet, FT, AFP, Reuters