Mỹ “mừng thầm” khi kinh tế Trung Quốc đi xuống?

(Dân trí) - Sự giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới Trung Quốc có thể sẽ gây bất lợi cho tăng trưởng toàn cầu, nhưng lại là một tín hiệu tốt lành đối với kinh tế Mỹ?

Mỹ “mừng thầm” khi kinh tế Trung Quốc đi xuống?
 
Bất lợi cho toàn cầu
 
Trong nhiều năm qua, thế giới đã quen với việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh như vũ bão và kéo nhu cầu hàng hóa toàn cầu tăng theo. Các quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ tốc độ tăng trưởng ngoạn mục của Trung Quốc chính là những nước sản xuất khẩu các loại hàng hóa cơ bản.

Tuy nhiên, theo tờ Wall Street Journal, đối với nước Mỹ, sự nổi lên của kinh tế Trung Quốc đem đến những tác động trái chiều. Một mặt, hàng hóa rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc giúp nước Mỹ giữ lạm phát trong tầm kiểm soát, nhưng mặt khác, lại làm suy giảm số lượng việc làm trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp của nước này. Ngoài ra, các hộ gia đình Trung Quốc, dù đã có thu nhập bình quân khá hơn, vẫn chưa tiêu thụ nhiều hàng hóa sản xuất tại Mỹ.

Nhưng Wall Street Journal cho rằng, thực tế này giờ đã đến lúc thay đổi. Hồi tuần trước, Trung Quốc bất ngờ hạ mục tiêu tăng trưởng năm 2012 xuống mức 7,5%, từ chỗ duy trì mục tiêu này ở mức trên 8% suốt trong 7 năm qua. Sự điều chỉnh này được xem là một thừa nhận rằng, sau thời kỳ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ dựa trên hoạt động đầu tư, kinh tế Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn mới, với tốc độ tăng trưởng không còn nhanh như trước.

Trên thực tế, thống kê kinh tế Trung Quốc phát đi mấy ngày qua cũng cho thấy sự giảm tốc rõ rệt của nền kinh tế này. Trong đó, tốc độ lạm phát tháng 2 của Trung Quốc giảm xuống mức 3,2%, thấp nhất trong 20 tháng. Cũng trong tháng 2, nước này bất ngờ chịu mức thâm hụt thương mại 31,48 tỷ USD, cao nhất kể từ năm 1989, sau khi thặng dư 27,28 tỷ USD trong tháng 1.

Đối với các nước xuất khẩu hàng hóa cơ bản từ lâu đóng vai trò là nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào chính cho cho hoạt động sản xuất công nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, thì việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại thực sự là một tin tức không lấy gì làm tốt đẹp. Chẳng hạn, xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc chiếm 5% GDP của Australia, trong đó xuất khẩu quặng sắt chiếm tới hơn một nửa.

Một số công ty Mỹ cũng có thể đối mặt với cảnh doanh số tăng trưởng chậm lại khi mà Trung Quốc “hãm phanh” hoạt động đầu tư. Chẳng hạn, nhu cầu đối với cần cẩn của hãng Manitowoc, thang máy Otis hay thiết bị lạnh Carrier sẽ giảm xuống.

Mỹ "mừng thầm"
 
Nhưng đối với cả nền kinh tế Mỹ nói chung, sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc có thể là một câu chuyện tích cực.

Thực tế những gì đã diễn ra ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan cho thấy, một khi những nền kinh tế đang phát triển với tốc độ nhanh chóng cắt giảm đầu tư, thì tỷ trọng của thu nhập người lao động trong thu nhập quốc gia lại tăng lên. Thu nhập người lao động tăng đồng nghĩa với nhu cầu tiêu dùng các loại hàng hóa và dịch vụ có chất lượng cao hơn cũng tăng theo.

Có lẽ còn sớm để kết luận, nhưng đã có những tín hiệu cho thấy sẽ diễn ra xu hướng tương tự ở Trung Quốc.

Một nghiên cứu gần đây do ngân hàng Standard Chartered thực hiện cho thấy, tiền lương trung bình của công nhân nhà máy ở khu vực đồng Quảng Đông đã tăng 10,4% từ đầu năm tới nay, đánh dấu năm thứ hai liên tục tăng trưởng ở mức 2 con số. Phát biểu tại kỳ họp thường niên Quốc hội Trung Quốc khai mạc hồi tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng khẳng định đặt mục tiêu thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa là một nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ nước này trong năm nay.

Nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc tăng hứa hẹn sẽ mở ra một thị trường đầy hấp dẫn cho hàng hóa Mỹ. Từ nông dân trồng đậu tương, tới các hãng sản xuất máy bay, thiết kế thời trang và các công ty thiết bị y tế… của Mỹ không hưởng lợi nhiều khi Trung Quốc phát triển hệ thống đường sắt hay xây dựng nhà cửa, nhưng sẽ hưởng lợi khi người dân Trung Quốc sử dụng những thực phẩm chất lượng cao hơn, đi lại nhiều hơn bằng máy bay, chuộng quần áo cao cấp hơn, và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Trong suốt thập kỷ qua, hàng “made in China”, nhất là những mặt hàng có giá trị gia tăng thấp, đã làm mưa làm gió khắp các kệ hàng trên đất Mỹ. Nhiều khả năng người tiêu dùng Trung Quốc sẽ không sớm chi mạnh để mua những hàng hóa tiêu dùng có xuất xứ từ Mỹ, mà sẽ ưu ái hơn hàng từ những quốc gia khác như Việt Nam.

Nhưng rõ ràng, khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc và tiêu dùng ở nước này được đẩy mạnh, thì cơ hội để hàng “made in America” khởi sắc là hoàn toàn có cơ sở.

Phương Anh
Theo Wall Street Journal