Mỹ chính thức áp thuế "khủng" 456% với thép nhập từ Việt Nam
(Dân trí) - Nếu thép xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ không chứng minh được xuất xứ của nguyên liệu thép cán nóng sẽ bị áp mức thuế lên đến 456% (tương đương mức thuế Hoa Kỳ đang áp dụng với thép Trung Quốc).
Bộ Công Thương vừa phát đi thông tin về việc Mỹ thông báo Kết luận cuối cùng vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp với thép cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam.
Cụ thể, hôm 16/12, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) thông báo Kết luận cuối cùng vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp với thép cán nguội (CRS) và thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam có nguyên liệu đầu vào từ Hàn Quốc và Đài Loan - Trung Quốc.
Kết luận cuối cùng về cơ bản giữ nguyên như kết luận sơ bộ đã được nước này ban hành vào tháng 7/2019.
Theo đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho rằng, các mặt hàng thép mạ và thép cán nguội của Việt Nam được sản xuất từ thép cán nóng của Hàn Quốc và Đài Loan không đáp ứng yêu cầu chuyển đổi đáng kể của Hoa Kỳ và do đó bị coi là lẩn tránh thuế.
Với kết luận này, cơ quan Hải quan Hoa Kỳ tiếp tục thu thuế đối với các mặt hàng thép của Việt Nam. Nếu lô hàng thép CR và CORE xuất khẩu từ Việt Nam không chứng minh được xuất xứ của nguyên liệu thép cán nóng sẽ bị áp mức thuế lên đến 456% (tương đương mức thuế Hoa Kỳ đang áp dụng với thép Trung Quốc).
Nếu doanh nghiệp chứng minh nguyên liệu cán nóng nhập khẩu từ Hàn Quốc hoặc Đài Loan sẽ bị áp thuế tương ứng của Hàn Quốc (29,4% với thép CORE; 24,2% với thép CRS) và Đài Loan (10,34% với thép CRS).
Như vậy, nếu các doanh nghiệp chứng minh được nguyên liệu sản xuất là của Việt Nam hoặc các nước/vùng lãnh thổ ngoài 3 nguồn trên sẽ không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế (tức là không phải nộp thuế).
Theo số liệu thống kê của Hoa Kỳ, trong 10 tháng đầu năm 2019 giá trị xuất khẩu thép CORE và CRS của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt hơn 260 triệu USD.
Thị trường Hoa Kỳ hiện chiếm 6,5% trong tổng lượng xuất khẩu thép của Việt Nam (ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam, chiếm 65%).
Nguyễn Mạnh