1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Muốn yên ổn làm ăn, nhiều doanh nghiệp phải chi tiền bảo kê cho xã hội đen

(Dân trí) - 3% doanh nghiệp cho biết phải trả tiền bảo kê cho các băng nhóm côn đồ, tổ chức xã hội đen để đảm bảo yên ổn làm ăn. Đó là một trong những thông tin đáng lưu ý được đưa ra tại báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017.

Các chỉ tiêu về an ninh trật tự trong PCI 2017.
Các chỉ tiêu về an ninh trật tự trong PCI 2017.

Chi phí không chính thức đã giảm

Sáng nay (22/3), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức công bố Báo cáo thường niên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017.

Đây là năm thứ 13 liên tiếp VCCI công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam. PCI là bộ chỉ số được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam để đánh giá mức độ thuận lợi của thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước cấp tỉnh khác nhau và mức độ hỗ trợ của chính quyền theo đánh giá của các doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại địa phương.

Qua kết quả điều tra từ hơn 8.000 doanh nghiệp trên 63 tỉnh thành cho thấy, chi phí không chính thức đã giảm đối với doanh nghiệp trên một số lĩnh vực.

Theo đó tỷ lệ doanh nghiệp thừa nhận có chi trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục hải quan giảm từ 56,4% năm 2016 xuống chỉ còn 53% trong năm 2017. Tình trạng phải chi trả chi phí không chính thức trong lĩnh vực đất đai cũng giảm xuống còn 17,5%, từ con số 22,6% trong năm 2016.

“Có thể nói chống tham nhũng là một trong những ưu tiên chính sách hàng đầu, là nhiệm vụ trọng tâm của các nhà lãnh đạo chính quyền Việt Nam trong năm qua. Điều này thể hiện qua một loạt các vụ án tham nhũng lớn được điều tra, xét xử”, báo cáo PCI nhận xét.

Kết quả điều tra PCI cho thấy, mặc dù chưa thực sự giảm mạnh mẽ nhưng việc chi phí không chính thức đã có xu hướng giảm cho thấy những nỗ lực chống tham nhũng vừa qua là đúng hướng.

Doanh nghiệp phải chi tiền bảo kê

Báo cáo PCI 2017 cũng cho biết một thực trạng đáng lưu ý. Đó là doanh nghiệp phải chi tiền bảo kê để được “yên ổn làm ăn”.

Thậm chí, báo cáo PCI còn cho rằng, nỗi lo về an ninh trật tự của doanh nghiệp là “xu hướng nổi bật” đã ghi nhận được năm vừa qua.

“Một hiệu ứng lo ngại của việc Việt Nam được xếp vào nhóm nước có thu nhập trung bình đó là đô thị hóa và tăng trưởng nhanh, cùng với đó là sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng, có thể kéo theo sự gia tăng của tình trạng tội phạm, đặc biệt là các vụ trộm, cắp. Những mối lo ngại này đã ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp”, báo cáo PCI nhận định.

Nhóm nghiên cứu PCI cho biết, nhiều chuyên gia đã khuyến nghị việc PCI cần bắt đầu tìm hiểu và đánh giá tác động của tình trạng tội phạm cũng như hành động của chính quyền địa phương đối với vấn đề này.

Kết quả điều tra năm 2017 thấy rằng đa số doanh nghiệp, 56% doanh nghiệp, đánh giá tình hình an ninh, trật tự tại địa phương là tốt. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp bày tỏ mối lo ngại về vấn đề này.

14,5% doanh nghiệp cho biết họ bị trộm cắp hoặc đột nhập trong năm vừa qua. Điều tra cho thấy trung bình giá trị tài sản bị mất là khoảng 15 triệu đồng (667 USD), một số doanh nghiệp bị mất mát tài sản có giá trị lên đến trên 500 triệu đồng (22.000 USD).

“Đối với các doanh nghiệp nhỏ, con số này là chiếm một phần đáng kể trong doanh thu hàng năm của họ. Các doanh nghiệp lớn hơn có nhiều khả năng bị thiệt hại nhiều hơn”, báo cáo nhận định.

Cũng theo điều tra này, vấn đề tội phạm tại vùng đồng bằng sông Cửu Long là nghiêm trọng nhất so với các vùng khác. Tỷ lệ doanh nghiệp bị trộm cắp cao nhất được ghi nhận ở Cà Mau (26,7%), Bạc Liêu (25,3%), Sóc Trăng (23,9%) và An Giang (23,6%). Kiên Giang (23,1%) và Tiền Giang (23%) cũng nằm trong tốp 10

Tỷ lệ doanh nghiệp bị trộm, cắp và giá trị thiệt hại theo các tỉnh, thành phố.
Tỷ lệ doanh nghiệp bị trộm, cắp và giá trị thiệt hại theo các tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên một tin tốt lành là hầu hết các doanh nghiệp tin rằng công an địa phương đã làm tốt nhiệm vụ. Có 86% cho biết đã báo cho cơ quan công an và gần 70% trong số đó đánh giá rằng cơ quan công an địa phương hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết hiệu quả vụ việc.

Hơn nữa, không có nhiều dấu hiệu cho thấy tội phạm đang lan tràn ngoài tầm kiểm soát, buộc các doanh nghiệp phải nhờ đến băng nhóm bảo kê. Chưa đến 3% doanh nghiệp cho biết phải trả tiền bảo kê cho các băng nhóm côn đồ, tổ chức xã hội đen để đảm bảo yên ổn làm ăn.

Nguyễn Khánh

Muốn yên ổn làm ăn, nhiều doanh nghiệp phải chi tiền bảo kê cho xã hội đen - 3

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm