1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Muôn mặt thị trường trung thu trước “giờ chót”

(Dân trí) - Nhiều hàng bánh đua nhau “xả hàng” bằng khuyến mại siêu khủng, thị trường đồ chơi tràn ngập những món hàng từ Trung Quốc... là những ghi nhận của PV <i>Dân trí</i> trước “giờ G” của Tết Trung thu.

TP.HCM: Dân chuộng bánh "xịn"

Ghi nhận vào 10/9 tại các tuyến đường như 3 tháng 2, Lạc Long Quân (quận 10, 11), Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh) và Cộng Hòa (quận Tân Bình) các cửa hàng, đại lý bánh Trung thu đã giảm giá rầm rộ nhưng người mua vẫn thưa thớt, có nơi vắng hoe không có khách đến “hỏi thăm”.

Trong khi đó, dù không mở rộng đại lý hay cửa hàng phụ nhưng các thượng hiệu bánh như Kinh Đô, Brodard, Givrah, Như Lan... phải hoạt động hết công suất mà vẫn không thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Mặt bằng chung giá cả của các hiệu bánh này thường không quá mắc, loại thấp nhất chỉ 38.000 đồng/chiếc còn loại cao thì không quá 300.000 đồng/chiếc.
 
Muôn mặt thị trường trung thu trước “giờ chót” - 1

Có nơi khách mua nườm nượp

Tại điểm bán bánh Như Lan trên đường Hàm Nghi, Hai Bà Trưng, người bản trả lời hết hàng hoặc có bánh mà không có hộp. Còn bánh Trung thu hiệu Brodard cũng trong tình trạng khan hàng. Nhiều ngày qua, phần lớn khách đến mua đều ngỡ ngàng vì phải đợi đợt cận cuối mùa mới có.

Giải thích cho việc “không giảm giá mà vẫn không đủ hàng”, đại diện kinh doanh bánh Như Lan nói: “Hạ giá sản phẩm không phải là biện pháp kích cầu hiệu quả. Bán rẻ chỉ làm mất đi giá trị thương hiệu. Cho đến giờ này, khi nhiều thương hiệu đã xổ hàng sale đến 50% nhưng chúng tôi vẫn giữ đúng giá ban đầu. Bên cạnh đó, nhiều người vẫn tìm đến các nhãn hàng uy tín thay cho sử dụng các loại bánh trôi nổi trên thị trường”.
 
Muôn mặt thị trường trung thu trước “giờ chót” - 2

Có nơi “dài cổ” chờ khách dù đã giảm đên 60%.

Hiện nay các cơ sở sản xuất nhỏ cũng đôn đáo cạnh tranh bằng cách tung ra các loại bánh giá rất rẻ làm từ nhân đã chế biến sẵn. Nhân bánh đậu xanh, hạt sen, khoai tây, khoai môn, mè, khoảng 40.000 đồng - 45.000 đồng/kg, nhân thập cẩm từ 70.000 đồng - 75.000 đồng/kg.

Đáng chú ý là các loại bánh này luôn dùng các chiêu để lôi kéo khách hàng như: “mua 1 tặng 1”, “đại hạ giá” hay “giảm giá 50%”, chiết khấu cao khi mua với số lượng lớn và đang có xu hướng giảm giá từng ngày. Dù vậy, khách hàng vẫn không mặn mà.

Nhiều người tiêu dùng còn thắc mắc, tại sao cùng một nhà sản xuất mà nơi này vẫn giữ giá, nơi kia lại khuyến mại sớm với mức khủng. Với hình thức mua 1 tặng 1, nếu mua chiếc bánh 50.000 đồng, được tặng thêm 1 chiếc, tính ra chỉ còn 25.000 đồng/chiếc. Nếu theo tính toán của các nhà sản xuất công bố từ đầu mùa Trung thu (chi phí đầu vào tăng 20 – 25% so với năm trước) thì mức giá khuyến mại này thấp hơn cả giá thành để làm bánh.

Người bán lại lý giải theo cách “mua rá tặng rổ”: Từ nay đến ngày rằm là thời điểm khách mua đông nhất, nên việc đại hạ sớm không phải… ế (?) mà nhằm mục đích cạnh tranh thu hút người mua giữa các cửa hàng. Hàng khuyến mãi chủ yếu là từ các cơ sở nhỏ, ăn theo mà thôi!

Thanh Hóa - Ninh Bình: Đồ chơi ngoại "hút hàng"

Cùng với sự nhộn nhịp của các mặt hàng bánh kẹo, thị trường đồ chơi dành cho trẻ em những ngày này cũng không kém phần nhộn nhịp. Các sản phẩm bày bán rất phong phú và đa dạng về hình thức và mẫu mã.
 
Muôn mặt thị trường trung thu trước “giờ chót” - 3
Đồ chơi truyền thống "biến mất" giữa thế giới màu sắc của đồ chơi hiện đại

Tuy nhiên có một thực tế đáng buồn, các mặt hàng đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, đèn kéo quân, mũ sư tử …dường như ngày càng trở nên “lép vế” trước những đồ chơi nhập ngoại, mà chủ yếu là những đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc, trong khi đó giá cả lại không mấy phải chăng.

Những bờm tóc, vương miện, mặt nạ hóa trang, súng ống… đã thu hút được không ít khách hàng nhí. Nhiều phụ huynh đưa con đi mua sắm đồ chơi không khỏi lắc đầu than thở rằng, trung thu ngày càng mất đi ý nghĩa vốn có.

Nhiều trẻ em thay vì đội đầu lân, tay cầm đèn ông sao tung tăng khắp phố trong những dịp trung thu thì nay lại hóa trang chẳng khác nào lễ hội Hallowen ở các nước phương Tây.

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều cửa hàng kinh doanh đồ chơi rất ít nhập về mặt hàng đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, đầu lân, mũ sư tử…vì gần như trẻ em không còn mặn mà với những đồ chơi truyền thống nữa nên sức bán không chạy.

Thị trường bánh vào trước giờ G cũng khá sôi nổi. Trên khắp các tuyến phố như Vân Giang, Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong, hay tại khu vực chợ Rồng, siêu thị Đông Thành Plaza…những ngày này tại các quầy, gian hàng trưng bày bánh trung thu được giăng băng-rôn đỏ rực luôn thu hút khách ra vào mua hàng.

Những thương hiệu nổi tiếng như: Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica, Hải Hà, Đồng Khánh, Bảo Ngọc...với các sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo nhiều hương vị độc đáo, hình thức mẫu mã đẹp và bắt mắt cùng nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn luôn là sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng.

Theo ghi nhận của phóng viên, giá bán của các loại bánh trung thu năm nay tăng từ 15 - 20%, tuy nhiên theo nhận định của một số chủ cửa hàng kinh doanh thì lượng bánh tung ra thị trường không hề giảm so với những năm trước. Lý giải cho việc tăng giá bán của các nhà sản xuất chính là do nguyên liệu đầu vào như bột mì, đường, đậu xanh… tăng mạnh, kéo theo giá thành sản phẩm bán ra thị trường cũng theo đó xê dịch.

Đặc biệt, dòng bánh trung thu cao cấp của các thương hiệu nổi tiếng có mức giá từ 300.000 - 900.000 đồng/hộp 4 chiếc. Riêng mặt hàng bánh siêu cao cấp với những tên gọi mĩ miều như: Trăng Vàng Hưng Thịnh, Trăng Vàng Phú Quý, Đế Nguyệt…có mức giá từ 1,5 - 2 triệu đồng/hộp.

Bên cạnh đó, thị trường bánh Trung thu truyền thống tuy không ồn ào quảng bá nhưng vẫn tạo cho mình một chỗ đứng riêng. Các loại bánh nướng nhân thập cẩm, gà quay lá chanh hay bánh dẻo nhân sen ở các cơ sở sản xuất truyền thống có thương hiệu và uy tín từ lâu đời như: Loan Thành, Quốc Bảo, Bảo Hưng… vẫn là sự lựa chọn của nhiều người dân đất Cố đô.

Nghệ An: Bánh giả vẫn "hoành hành" 

Nhiều hãng bánh nổi tiếng như Kinh Đô, Tràng An, Bibica, Hương Phúc (cơ sở sản xuất tại TP Vinh, Nghệ An) đã tung ra nhiều loại bánh chất lượng tốt, mẫu mã đẹp. Anh Nguyễn Hoàng Quân, chủ cửa hàng bánh Trung thu cho biết: Năm nay, giá bánh thị trường bánh vẫn giữ bằng năm ngoái và sẽ phục vụ nhu cầu của nhiều đối tượng khác nhau. Trung bình các loại bánh có giá dao động từ 30-60 ngàn đồng/cặp đối với bánh lẻ. Đối với bánh hộp sẽ có giá từ 100 - 800 ngàn/hộp.
 
Muôn mặt thị trường trung thu trước “giờ chót” - 4
Nhiều cửa hàng bánh lớn tại TP Vinh vẫn ế khách.

 

Tuy nhiên, Tết Trung thu đã cận kề cũng là lúc các loại bánh Trung thu nhái, giả, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm lại trà trộn vào thị trường. Anh Nguyễn Văn Hùng (khối 2, phường Cửa Nam) cho biết: Ngày 5/7, anh mua một hộp bánh Trung thu nhưng khi về mở ra ăn thử thì thấy bánh có mùi thiu, màu bánh đã xẩm, bên trong nhân bánh bắt đầu vữa ra. Trước việc có hàng chục loại bánh khác nhau thì việc mua phải bánh giả trong thời điểm hiện nay là điều dễ hiểu. Bởi hầu hết các loại bánh này thường có mẫu mã rất bắt mắt, được đóng gói cẩn thận nên người mua rất khó để phát hiện đâu là bánh giả, đầu là bánh thật.

Việc bánh rởm “lộng hành” thị trường đã khiến nhiều hãng bánh nổi tiếng chịu vạ lây. Nhiều quầy bánh của những hãng nổi tiếng như Hương Phúc, Kinh Đô, Tràng An … những ngày gần đây vẫn ế khách. Chị Nguyễn Thị Hằng Nga, chủ quầy bánh trên đường Phan Đình Phùng cho biết: “So với năm trước thì thời điểm này người mua bánh đã rất đông, nhưng năm nay cho đến giờ vẫn rất vắng khách, dù giá cả cũng không tăng bao nhiêu...”.

Tại chợ Vinh bày bán khá nhiều nhân bánh Trung thu làm sẵn với giá chỉ từ 45.000 - 55.000 đ/kg. Mặt hàng này được đóng thành từng cây, mỗi cây 20kg sẵn sàng phục vụ cho các cơ sở chế biến, mối lái với số lượng lớn. Điều đáng lo là các loại nhân bánh làm sẵn này không ghi rõ xuất xứ, không hạn dùng và được đóng gói sơ sài. Theo các tiểu thương ở đây, phần lớn nhân bánh làm sẵn được nhập từ Trung Quốc.

Trong những ngày qua, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Chi cục an toàn thực phẩm (Sở y tế Nghệ An), Chi cục quản lý thị trường, Chi cục đo lường chất lượng... đã tiến hành kiểm tra nhiều cơ sở sản xuất bánh trung thu trên địa bàn thành phố Vinh. Tại các cơ sở sản xuất, đoàn đã lấy mẫu bánh để kiểm tra và phát hiện một số cơ sở có sai phạm về sử dụng chất bảo quản, phẩm màu trái phép...

Tình trạng hàng nhái, hàng giả trong thị trường bánh Trung thu diễn ra từ nhiều năm qua, các cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra xử lý. Thế nhưng vì sao tình trạng này vẫn tiếp diễn và ngày càng trầm trọng hơn? Theo đại diện Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An cho biết thì tình trạng bán bánh giả xảy ra nhiều ở các gian hàng dọc theo lề đường, do số lượng gian hàng quá nhiều trong khi lực lượng kiểm tra có hạn nên không thể kiểm tra hết. Vì vậy người tiêu dùng cần hết sức cẩn thận khi mua bánh.

Nhóm PV