Mượn danh đi giải cứu hoa hồng Đà Lạt, nhập 1 bán gấp 4 lần

(Dân trí) - Vài ngày nay, lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhiều dân buôn đã tung tin đồn giải cứu các mặt hàng nông sản. Thậm chí, có người còn lợi dụng lý do giải cứu để bán hàng trục lợi.

Mượn danh đi giải cứu hoa hồng Đà Lạt, nhập 1 bán gấp 4 lần

Gần đây, người dân cả nước nghe rất nhiều về việc giải cứu dưa hấu, thanh long, tôm hùm,… Việc giúp đỡ bà con nông dân trong lúc dịch bệnh khó khăn là điều hết sức cần thiết. Nhờ đó, một lượng lớn nông sản cũng đã được tiêu thụ, người dân cũng được tiếp cận với thực phẩm giá rẻ.

Tuy nhiên, chị Thanh Hà (Khâm Thiên, Hà Nội) lại tỏ ra khá bức xúc khi thời gian gần đây, nhiều đối tượng thường xuyên lấy từ “giải cứu” ra để bán hàng, lợi dụng lòng thương của người tiêu dùng.

Mượn danh đi giải cứu hoa hồng Đà Lạt, nhập 1 bán gấp 4 lần - 1

Giải cứu tôm hùm vẫn lãi 400 - 500 nghìn đồng/kg

“Một số cơ sở bán tôm hùm xanh lên tới 1,1 triệu đồng/kg. Trong khi đó nhiều nơi, giá tôm chỉ 650 nghìn đồng/kg. Hay như giải cứu sầu riêng giá 450 nghìn đồng/8 kg, nhưng thực tế, sầu riêng tại vườn được rất nhiều người hỏi mua. Song, do chưa được giá nên người nông dân còn chưa muốn bán”, chị Hà bức xúc.

Hiện nay, nhiều dân buôn còn đang hô hào giải cứu hoa hồng Đà Lạt. Tuy nhiên, mức giá không hề có tính chất giải cứu, mà đắt ngang ngửa giá thị trường tại Hà Nội.

Mượn danh đi giải cứu hoa hồng Đà Lạt, nhập 1 bán gấp 4 lần - 2

Thử tìm kiếm trên mạng xã hội với cụm từ “giải cứu hoa”, rất nhiều bài đăng về chủ đề này. Thế nhưng, đáng chú ý, có những cơ sở bán một bó hoa hồng đỏ với giá 140 nghìn đồng/30 bông, 120 - 130 nghìn đồng/30 bông hồng các màu, nhưng vẫn sử dụng cụm từ “giải cứu hoa hồng Đà Lạt”.

Mượn danh đi giải cứu hoa hồng Đà Lạt, nhập 1 bán gấp 4 lần - 3

Giải cứu cao hơn cả giá thị trường

Với mức giá này, dân buôn đã bán cao hơn cả giá thị trường tại Hà Nội. Và nếu nhập với mức giá phổ biến tại Đà Lạt hiện giờ là 1 nghìn đồng/bông, thì dân buôn đã thu về gấp hơn 4 lần.

Kinh doanh phải có lãi, tuy nhiên theo chị Hà, người tiêu dùng đôi khi không có nhu cầu sử dụng. Nhưng trong hoàn cảnh khó khăn, chung tay vì cộng đồng nên mới mua ủng hộ. Vì thế, giá hoa tăng gấp đôi lên 2 nghìn đồng/bông cũng còn tạm chấp nhận được.

Mượn danh đi giải cứu hoa hồng Đà Lạt, nhập 1 bán gấp 4 lần - 4

Hoa hồng Đà Lạt to, đẹp nhưng ế ẩm vì dịch

Mượn danh đi giải cứu hoa hồng Đà Lạt, nhập 1 bán gấp 4 lần - 5

Bên cạnh những người bán cao gấp 3 - 4 lần để kiếm lời, vẫn còn rất nhiều mạnh thường quân sẵn sàng giải cứu hoa gần như ngang giá nhập tại vườn. Theo đó, chị Lê Hiền (Đà Lạt) cũng đã tận dụng rất nhiều mối quan hệ để giúp người dân tại địa phương tiêu thụ hoa với giá chỉ 1 nghìn đồng/bông.

“Nếu khách ở tỉnh xa có nhu cầu, tôi sẽ gửi xe khách, phía người nhận sẽ chịu cước vận chuyển”, chị Hiền chia sẻ. 

Giải cứu với quy mô lớn hơn gấp nhiều lần, cơ sở chuyên cung cấp hoa Amy Garden còn giúp người dân trồng hoa tại Đà Lạt tiêu thụ 500 nghìn bông hồng. Theo đại diện cơ sở này, toàn bộ hoa được gom từ các nhà vườn ở Đà Lạt và bán tới tay người tiêu dùng tại Hà Nội chỉ 1 nghìn đồng/bông.

Mượn danh đi giải cứu hoa hồng Đà Lạt, nhập 1 bán gấp 4 lần - 6

Đóng hoa chuyển online cho khách hàng

Mượn danh đi giải cứu hoa hồng Đà Lạt, nhập 1 bán gấp 4 lần - 7

“Người yêu hoa có thể mua theo bó 30 - 50 bông với đủ các màu như: đỏ, hồng, cam, vàng, trắng. Tuy nhiên, thay vì bán lẻ tại vỉa hè có thể gây ảnh hưởng tới giao thông và sự lây lan trong mùa dịch, chúng tôi giao hoa online tới nhà. Đơn vị giao hàng cũng thực hiện chiến dịch trên tinh thần giải cứu người dân Đà Lạt, nên chi phí cũng chỉ 18 nghìn đồng/đơn”, đại diện cơ sở nói và thông tin thêm chiến dịch giải cứu sẽ kéo dài từ 5 - 10, tuỳ theo sức ủng hộ của người dân.

Hiện nay, theo chị Anh Thanh - chủ vườn trồng hoa Lạc Dương (Đà Lạt), hoa hồng đang xuống giá thấp nhất chưa từng có trong vụ Valentine vừa qua. Thậm chí, sau ngày lễ tình nhân còn không ai hỏi mua hoa.

Mượn danh đi giải cứu hoa hồng Đà Lạt, nhập 1 bán gấp 4 lần - 8

Hoa hồng phải vứt đi vì ế

“Giá thấp nhưng người trồng hoa ngày nào cũng phải cắt. Bởi không cắt đi thì sẽ không ra hoa nữa. Thế nhưng, hoa cắt ra không có người mua thì cũng phải bỏ, thiệt hại là rất lớn”, chị Thanh nói.

Thế Hưng