TP.HCM:

Mùa tựu trường, chỉ số giá giáo dục bật tăng gần 60%

(Dân trí) - Trong tháng 9/2013, chỉ số giá nhóm giáo dục tăng mạnh đã đẩy lạm phát tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM lên cao. Riêng tại TP.HCM, do chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 57,2% nên CPI địa bàn tăng mạnh 3,13% so với tháng 8.

Việc nâng học phí đã tác động mạnh đến lạm phát ở các thành phố lớn.
Việc nâng học phí đã tác động mạnh đến lạm phát ở các thành phố lớn.

Cục Thống kê hai thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) hôm nay (21/9) đã chính thức công bố số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9.

Theo đó, trong kỳ tính của tháng này, CPI Hà Nội tăng 0,57% so với tháng trước và tăng 6,68% so với cùng kỳ; trong khi đó, chỉ số này tại TP.HCM tăng tới 3,13% so với tháng trước và tăng 5,13% so với cùng kỳ.

Tuy chỉ có 6/11 nhóm hàng hóa tăng giá, song chỉ số giá tăng rất mạnh tại TP.HCM, nguyên nhân chủ yếu do chỉ số giá ở nhóm giáo dục tăng tới 57,2%. Vừa rồi, Ủy ban Nhân dân thành phố đã cho phép nâng giá học phí các cấp học.

Năm nhóm còn lại tăng không đáng kể: nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt tăng 0,84%, nhóm ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,41%, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,04%, nhóm may mặc mũ nón giày dép tăng 0,02% và hàng hóa và dịch vụ khác tăng  1,69%.

Chỉ số giá nhóm giao thông ngược lại giảm 0,28% so với tháng trước, văn hóa thể thao giải trí giảm 0,42%, thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,06%.

Cục Thống kê TP.HCM cho biết, nếu tính mức học phí các cấp học tương đương tháng trước thì mức tăng giá của tháng 9 tại địa bàn thành phố chỉ còn tăng 0,27% so với tháng 8.

Ở Thủ đô Hà Nội, trong số 11 nhóm hàng thuộc rổ tính CPI có 10 nhóm tăng giá so với tháng trước. Do đang trong mùa tựu trường nên nhóm giáo dục tăng giá mạnh nhất, chỉ số giá nhóm này tăng 2,02% so với tháng 8 khi nhu cầu sách vở, đồ dùng học tập lên cao. Thêm vào đó, việc tăng giá học phí đào tạo khối đại học, cao đẳng, dạy nghề... trong năm học 2013-2014 cũng ảnh hưởng đáng kể.

Theo quan sát của Cục thống kê Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm 2013, tình hình giá cả thị trường có sự biến động với 3 tháng giảm phát là tháng 3 (giảm 0,21%), tháng 4 (giảm 0,15%) và tháng 5 (giảm 0,22%).

Tháng 6 chỉ số CPI tăng trở lại với mức tăng không nhiều, đến tháng 8 do có sự tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh nên chỉ số tăng cao so tháng trước (tăng 3,16%), tháng 9 tăng 0,57%.  

Nằm ngoài rổ tính giá, trong tháng này, chỉ số giá vàng tại Hà Nội tăng 2,24% và chỉ số giá USD giảm 0,11% so với tháng trước. Tại TP.HCM, giá vàng tăng 0,68% so với tháng trước, trong khi chỉ số USD có diễn biến ngược lại, giảm 0,85%.

Bích Diệp