Mở cửa nhập xe giá rẻ, người Việt vẫn cam chịu mua ô tô giá đắt

(Dân trí) - Thông tin thị trường xe hơi tuần qua nổi bật nhất là xu hướng xe nhập tập trung chủ đạo vào các dòng xe phổ thông giá rẻ tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế giá nhiều loại xe từ Thái Lan, Indonesia về Việt Nam không hề rẻ dù được hưởng thuế nhập 0%.

Trên 90% xe nhập về Việt Nam dưới 500 triệu đồng

Lượng nhập xe vào Việt Nam trong tháng 10/2018 tăng rất mạnh so với tháng 9 và tăng đột biến so với tháng 10 năm trước, xe nhập chủ yếu là dòng giá rẻ nhưng về Việt Nam các loại xe này không hề được giảm giá.

Xe hơi nhập về Việt Nam ngày càng tập trung vào các dòng giá rẻ
Xe hơi nhập về Việt Nam ngày càng tập trung vào các dòng giá rẻ

Theo con số thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10, tổng lượng xe nhập về Việt Nam đạt con số cao kỷ lục hơn 14.200 chiếc, tăng gần 3.000 chiếc so với tháng trước.

Riêng xe con nhập khẩu tháng 10 đạt hơn 8.800 chiếc, tăng hơn 3.700 chiếc so với tháng trước.

Điều đáng quan tâm là lượng xe nhập về Việt Nam ngày càng tập trung vào xe giá rẻ. Theo giá trị nhập khẩu/lượng xe nhập về Việt Nam, giá xe nhập trong tháng 10/2018 là 471 triệu đồng/chiếc, rẻ hơn 13 triệu đồng/chiếc so với giá xe nhập bình quân trong tháng 9. Đặc biệt, xe nhập trong tháng 10/2018 rẻ hơn 119 triệu đồng/chiếc so với giá nhập xe bình quân tháng 10/2017.

Riêng xe con, giá xe nhập bình quân trong tháng 10/2018 là hơn 445 triệu đồng/chiếc, rẻ hơn 46 triệu đồng/chiếc so với giá bình quân trong tháng 9/2018; đặc biệt rẻ hơn 385 triệu đồng so với giá bình quân xe con nhập khẩu tháng 10/2017.

Với giá trung bình nói trên, có thể khẳng định giá xe nhập về Việt Nam hiện có sự phân hoá rất mạnh so với trước, chủ yếu tăng nhập về dòng xe con giá rẻ, các dòng xe giá đắt nhập từ các nước có thuế suất thuế nhập khẩu cao không còn về Việt Nam nhiều như trước đây.

Fortuner hưởng thuế 0% không giảm giá, Toyota nói gì?

Trả lời câu hỏi của báo giới về việc tại sao Toyota được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% từ năm 2018 đối với xe nhập khẩu từ Indonesia Fortuner nhưng giá dòng xe này không giảm, ông Shinjiro Kajikawa, Phó Giám đốc khối hoạch định Chiến lược Toyota Việt Nam khẳng định: Về giá khó phân tích, đây là do tính toán của doanh nghiệp.

Toyota không lý giải được vì sao Fortuner hưởng thuế 0% mà giá không giảm
Toyota không lý giải được vì sao Fortuner hưởng thuế 0% mà giá không giảm

Theo giải thích của đại diện Toyota Nhật Bản, liên quan tới giá xe hiện có nhiều yếu tố tác động nên, do đó giá xe trên thị trường do doanh nghiệp tính toán để quy định mức giá hợp lý.

Trả lời các câu hỏi của phóng viên về việc Việt Nam liên tục tham gia các Hiệp định thương mại tự do song và đa phương cùng với đó lộ trình bỏ thuế nhập khẩu xe hơi từ Trung Quốc, Nhật Bản hay EU đang ngày một đến gần, Toyota có kế hoạch nào, liệu có chuyển sản xuất, lắp ráp đẩy mạnh nhập khẩu?

Ông Shinjiro Kajikawa cho rằng, nguyên lý của Toyota xây dựng tập trung đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ông này cho biết, "không bao giờ tính đến việc thu nhỏ sản xuất và tập trung phát triển ở thị trường Việt Nam".

Khi được hỏi về tiến trình nâng cao tỷ lệ nội địa hoá xe hơi sản xuất tại Việt Nam, vị đại diện của doanh nghiệp Nhật Bản không hé lộ thông tin và cho rằng: "Nội địa hoá có nhiều con số khác nhau, chúng tôi không thể công bố. Hiện chúng tôi muốn nâng cao tỷ lệ nội hoá thông qua việc đầu tư máy móc thiết bị".

Trước câu hỏi thách thức của các nhà sản xuất, lắp ráp xe hơi tại Việt Nam như Hyundai Thành Công, Trường Hải hay gần đây nhất là VinFast đang chú trọng đầu tư công nghệ, xây dựng nhà máy lớn, dây truyền hiện đại để sản xuất xe tại Việt Nam, lãnh đạo Toyota Việt Nam nói: "Chúng tôi không biết VinFast hay Hyundai Thành Công làm cái gì cả, về nguyên tắc, chúng tôi luôn luôn nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu khách hàng".

Bộ Công Thương và Toyota nói gì về ô tô Việt "chăm mãi không lớn"

Tại Hội thảo "Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, tác động chính sách, rào cản và giải pháp" do Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 30/10, Bộ Công Thương và Toyota lên tiếng lý giải xe Việt bao năm hưởng ưu đãi nhưng không lớn được.

Xe lắp ráp trong nước của các hãng liên doanh không hề được nâng cao nội địa hoá
Xe lắp ráp trong nước của các hãng liên doanh không hề được nâng cao nội địa hoá

Báo cáo của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương chỉ rõ: “Đầu tư cho sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô còn mang tính nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra ít cả về chủng loại và sản lượng. Sức cạnh tranh quốc tế của công nghệ hỗ trợ (CNHT) ngành sản xuất, lắp ráp ô tô còn hạn chế, nhất là sản phẩm của doanh nghiệp nội địa”.

Ông Lương Đức Toàn, Cục Công Nghiệp (Bộ Công Thương), hiện phần lớn phụ tùng và linh kiện đều phải nhập khẩu. Năm 2014 nhập khẩu 2,2 tỷ USD; năm 2015 nhập khẩu 3 tỷ USD, năm 2016 nhập khẩu 3,5 tỷ USD và năm 2017 nhập khẩu 3,167 tỷ USD.

Trong khi đó, tỷ lệ mua phụ tùng trong nước tuỳ theo chủng loại xe và nhà sản xuất đạt 10-30% đối với xe du lịch; hơn 30% đối vơi xe tải và hơn 40% đối với xe buýt.

"Phụ tùng, linh kiện chủ yếu được sản xuất và nhập khẩu từ doanh nghiệp (DN) FDI, tỷ lệ đặt hàng phụ tùng linh kiện từ DN nội địa cung cấp rất thấp. Trong số các DN cung cấp hiện có, hơn 90% là DN FDI, chỉ có số ít DN trong nước có thể tham gia vào mạng lưới sản xuất lắp ráp ô tô", ông Toàn nói.

Đại diện Toyota Việt Nam, thị trường Việt Nam có biến động và bất ổn về chính sách nên các nhà đầu tư do dự khi vào Việt Nam.

Thêm vào đó sản xuất thiết bị nội địa còn thấp, đơn cử, sản lượng của Toyota Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều so với các nước khác trong khu vực ASEAN. Trong khi đó, hệ thống nhà cung cấp ở Việt Nam còn rất hạn chế nên 90% là nhập khẩu.

Cạnh tranh về chi phí sản xuất Việt Nam yếu nên chi phí sản xuất xe ở Việt Nam đang cao hơn xe nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN khoảng từ 10-20%.

Đại diện Toyota lại xin ưu đãi: "Sản lượng bất lợi là vấn đề có tính hệ thống nên các công ty sẽ gặp khó khăn khi phải giải quyết. Vì vậy, để mở rộng nội địa hoá, chúng tôi mong muốn Chính phủ sẽ cân nhắc các chính sách có hiệu quả để giảm chi phí đầu tư”.

Siêu xe chục tỷ của Đặng Lê Nguyên Vũ phủ bụi ở Hà Nội

Chiếc xe siêu sang Maybach 62S màu trắng và chiếc Rolls-Royce Phantom khác được cho là thuộc sở hữu của ông chủ Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ bị bắt gặp trong một bãi đỗ xe của khách sạn 5 sao ở Hà Nội với ngoại thất đóng bụi dày đặc.

Siêu xe của đại gia Đặng Lê Nguyên Vũ phủ bụi tại Hà Nội
Siêu xe của đại gia Đặng Lê Nguyên Vũ phủ bụi tại Hà Nội

Maybach 62S màu trắng mang biển kiểm soát Sài thành nhưng được Chủ tịch Trung Nguyên "phân công" định cư ngoài Bắc để tiện cho việc di chuyển của ông.

Khu vực chiếc Maybach 62S màu trắng hay đỗ là một bãi xe của khách sạn 5 sao nằm gần quận Tây Hồ, Hà Nội. Những hình ảnh ghi lại cho thấy, phần ngoại thất chiếc xe siêu sang này đóng bụi khá dày đặc. Điều đó cho thấy, có vẻ như đã lâu Chủ tịch Trung Nguyên không sử dụng chiếc Maybach 62S này.

Bên trong bãi xe mà chiếc Maybach 62S màu trắng đỗ tại đây còn có một chiếc xe siêu sang khác là Rolls-Royce Phantom, được cho là cũng thuộc sở hữu của ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Chưa hết, đỗ phía bên phải chiếc Maybach 62S màu trắng là một chiếc Range Rover cũng của vị Chủ tịch Trung Nguyên.

Đây không phải lần hiếm hoi những chiếc xe siêu sang của địa gia Trung Nguyên bị bắt gặp với ngoại thất đóng bụi dày đặc. Có lẽ cũng dễ hiểu, bởi sở hữu quá nhiều xe nên vị đại gia này không thể đi hết được.

Bộ sưu tập xe của Chủ tịch của Trung Nguyên được cho có khoảng hơn 50 chiếc siêu xe và xe siêu sang. Theo giới thạo tin, bộ sưu tập siêu xe của ông Vũ chỉ đứng sau bộ sưu tập của vợ chồng đại gia Minh "nhựa" về độ hoành tráng tại Việt Nam. Dàn siêu xe của ông chủ cà phê Trung Nguyên đến từ nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới.

Giá bán cho mỗi chiếc Maybach 62S này không dưới 1 triệu USD (23 tỷ đồng).

133 xe BMW buôn lậu của Euro Auto bây giờ ra sao?

Lô xe gồm 133 chiếc ô tô BMW do Euro Auto làm thủ tục hải quan nhập khẩu về Nam tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3 ngày 21/11/2016, thuộc cảng VICT (TP. Hồ Chí Minh) đến nay đã gần 2 năm. Số xe này được Euro Auto làm giả giấy tờ để nhập khẩu.

BMW nhập lậu của Euro Auto phơi nắng, cáu bẩn tại cảng của Việt Nam
BMW nhập lậu của Euro Auto phơi nắng, cáu bẩn tại cảng của Việt Nam

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, liên quan đến vụ buôn lậu xe BMW của Công ty CP ô tô Âu Châu (Euro Auto, doanh nghiệp nhập khẩu chính thức BMW ở Việt Nam trước năm 2018), hiện vẫn còn lô 133 chiếc ô tô BMW do doanh nghiệp này làm thủ tục hải quan nhập khẩu về Nam tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3 từ ngày 21/11/2016, thuộc cảng VICT (TP. Hồ Chí Minh).

Dồn dập xe mới ra mắt tháng 11

Tháng 11 ghi nhận sự góp mặt của nhiều mẫu xe mới trên thị trường, sau các màn ra mắt tại triển lãm chuyên ngành lớn nhất năm diễn ra ở TP.Hồ Chí Minh vào cuối tháng 10.

Số lượng xe nhập khẩu đang ngày càng đa dạng
Số lượng xe nhập khẩu đang ngày càng đa dạng

Tháng 11 khởi đầu với hàng loạt mẫu xe mới vừa được ra mắt trong Triển lãm Ôtô Việt Nam cuối tháng 10 vừa qua (VMS 2018) tại TP. Hồ Chí Minh. Mùa bán hàng cuối năm chính thức bắt đầu với sự xuất hiện của hàng loạt cái tên mới ở cả phân khúc xe hạng sang lẫn xe bình dân; đáng chú ý có Audi A7/Q8, Jaguar E-Pace và cả Chevrolet Colorado Storm/ Trailblazer Perfect Black, Ford Ranger Raptor, Honda Jazz RS Mugen…

Phân khúc xe sang bắt đầu có sự chuyển mình, khi những lô xe đầu tiên đáp ứng quy định mới về kinh doanh nhập khẩu xe chính thức được thông quan.

Trong tháng 11 này, thị trường xe cao cấp đón nhận thêm các mẫu xe mới ra mắt như Audi Q8/A7, Jaguar E-Pace, Maserati Quattroporte GTS GrandLusso, Lexus RX350L, Volvo XC90 hybrid, Volkswagen Touareg (cho dù nhà phân phối mang về thăm dò thị trường nhưng cũng đã nhận tiền đặt cọc của khoảng 30 khách hàng)…

An Linh
(Tổng hợp)

Mở cửa nhập xe giá rẻ, người Việt vẫn cam chịu mua ô tô giá đắt - 7