Mua nhiều nhất thế giới, Trung Quốc dửng dưng khi giá dầu lao thẳng đứng

(Dân trí) - Mỗi năm, Trung Quốc đang phải nhập khẩu hơn 70% lượng dầu tiêu thụ trong lượng từ nước ngoài. Tuy nhiên, mặc cho giá dầu thô trên thế giới đang tụt xuống mức âm, Trung Quốc lại dửng dưng.

Tưởng chừng như giá dầu thô quốc tế giảm mạnh sẽ là một món quà từ ‘trên trời rơi xuống’ dành cho Trung Quốc- khách hàng lớn nhất thế giới, khi nước này chi hàng trăm tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu dầu.

Mua nhiều nhất thế giới, Trung Quốc dửng dưng khi giá dầu lao thẳng đứng - 1
Mỗi năm, Trung Quốc đang phải nhập khẩu hơn 70% lượng dầu tiêu thụ trong lượng từ nước ngoài. Ảnh: SCMP

Các nước trên thế giới đang lợi dụng giá dầu quốc tế giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm sau khi hợp đồng tương lai của Mỹ giảm xuống còn -37,63 USD/thùng vào đầu tuần này, nhằm mua tích trữ.

Ngược lại, sự sụp đổ của thị trường dầu mỏ đã gây ra những lo ngại mới dành cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Một công ty quốc hữu chuyên dầu khí của Trung Quốc cho biết giá dầu thấp đã tạo nên những rủi ro chưa từng có, trong khi một trong bốn ngân hàng nhà nước lớn của Trung Quốc đã bị phá sản vì không chấm dứt hợp đồng tương lai dầu một cách kịp thời để tránh thiệt hại lớn cho khách hàng.

Theo ông Guan Tao, chuyên gia phân tích kinh tế toàn cầu tại BOC International(Trung Quốc), từng làm việc cho Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước, nói: “Chúng ta phải cảnh giác với nguy cơ giá dầu quốc tế biến động có thể gây ra khủng hoảng tài chính trong nước.”

Trong một bài báo đăng tải trên The Bejing News, ông Guan phân tích rằng giá dầu thô duy trì ở mức rất thấp sẽ cuốn sạch lợi nhuận trong ngành dầu mỏ và khiến giá trị của các cổ phiếu và trái phiếu liên quan bốc hơi.

Mua nhiều nhất thế giới, Trung Quốc dửng dưng khi giá dầu lao thẳng đứng - 2
Thay vì mừng rỡ, Trung Quốc lo lắng về tương lai của ngành công nghiệp dầu mỏ. Ảnh: SCMP

Trong suốt hai thập kỷ qua, Bộ Ngoại giao Bắc Kinh đã tập trung vào việc đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng an toàn và ổn định để đáp ứng nhu cầu nội địa tăng mạnh. Việc tìm kiếm dầu được phản ánh qua những dự án đắt đỏ của chính phủ Trung Quốc, như hỗ trợ cho khủng hoảng lạm phát ở Venezuela. Một lý do chính cho sự phát triển của Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan đầy tham vọng là nó có thể giảm đáng kể khoảng cách vận chuyển từ Trung Đông đến Trung Quốc.

Một mức giá dầu thô thấp sẽ giáng một đòn mạnh lên nhiều khoản đầu tư trước đây của Trung Quốc vào thăm dò dầu khí, đặc biệt là những khoản đầu tư có chi phí sản xuất cao, có thể dẫn đến việc thu hẹp các khoản đầu tư tương tự trong tương lai, theo Bai Jun- một thành viên của ủy ban kinh tế tại Hiệp hội Dầu khí Trung Quốc nhận định.

Dầu thô giá rẻ sẽ cản trở những nỗ lực của Bắc Kinh để tăng nguồn cung dầu thô trong nước, một phần quan trọng trong chiến lược an ninh năng lượng của Trung Quốc. Kể từ khi Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu dầu thô lớn vào năm 1996, nước này phụ thuộc vào dầu thô nhập khẩu để tiêu thụ nội địa đã tăng đều đặn lên 72% tổng lượng tiêu thụ năm ngoái.

Điều này mang lại cho chính phủ Trung Quốc một động lực mạnh mẽ để thúc đẩy sản lượng trong nước thông qua ba công ty dầu khí hàng đầu của nước này đó là: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (PetroChina), Tập đoàn Dầu khí & Hóa chất Trung Quốc (Sinopec) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (Cnooc),

Tuy nhiên, kể cả khi các hợp đồng tương lai được ký kết mức giá 20 đô la Mỹ/thùng, điều này vẫn sẽ khiến hoạt động khai thác dầu trong nước của Trung Quốc trở nên vô cùng khó khăn do chi phí sản xuất trung bình ước tính khoảng 50 USD/thùng.

Đại diện của PetroChina cho rằng giá dầu giảm mạnh đã bộc lộ điểm yếu của tập đoàn này là “lớn nhưng không mạnh”, trong khi tập đoàn đối thủ Sinopec cho biết trong tuần này rằng họ đã chuẩn bị “thắt lưng buộc bụng” trong một thời gian dài.

Tính đến thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu của PetroChina tại sàn giao dịch Hong Kong đã mất đi khoảng một phần ba giá trị của nó trong năm nay, trong khi cổ phiếu Cnooc giảm 40%. Giá cổ phiếu của Sinopec, công ty có một nhà máy lọc dầu lớn có thể hưởng lợi từ giá dầu thô thấp, cũng mất khoảng 20% ​​giá trị.

Nhưng đối với các 200 triệu chủ sở hữu xe hơi tại Trung Quốc, giá dầu thô quốc tế giảm không đồng nghĩa với việc giảm giá xăng dầu của họ xuống mức thấp do thị trường bán lẻ được chính phủ nước này điều tiết và kiểm soát rất chặt chẽ.

Trên thực tế, Trung Quốc hiện đang định giá các sản phẩm xăng và dầu diesel có liên quan lên mức giá dầu thô 40 USD/thùng, do đó, dù giá quốc tế giảm thấp đến mức âm, người tiêu dùng cũng sẽ trả một số tiền như thông thường.

Đối với một số nhà đầu tư cá nhân của Trung Quốc, việc giá dầu thô giảm xuống mức âm là một cơn ác mộng. Ngân hàng Trung Quốc, một trong bốn ngân hàng quốc doanh lớn, đã buộc phải tạm dừng các khoản đầu tư mới vào một doanh nghiệp dầu mỏ của Mỹ vào hôm 22/4.

“Các cơ sở dự trữ dầu chiến lược của Trung Quốc đang dần cạn kiệt thùng để chứa dầu.”, ông Lin Boqiang, giám đốc của Đại học Hạ Môn và chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế năng lượng Trung Quốc, nói thêm rằng chính phủ nước này cần đẩy nhanh việc phát triển các cơ sở mới để tăng mức dự trữ lên 120 ngày tiêu thụ so với công suất hiện tại là 90 - 100 ngày.

Các nhà máy lọc dầu độc lập nhỏ của Trung Quốc, dự kiến ​​sẽ là người hưởng lợi nhiều nhất từ ​​giá dầu thô thấp. Tuy nhiên, năng lực của họ vẫn sẽ bị hạn chế khi không được Bắc Kinh cho phép bán thành phẩm dầu ở nước ngoài.

Mua nhiều nhất thế giới, Trung Quốc dửng dưng khi giá dầu lao thẳng đứng - 3
Dù giá dầu thế giới lao dốc xuống mức âm, giá dầu nội địa Trung Quốc sẽ không có dấu hiệu giảm. Ảnh: The Bejing News

Warren Patterson, người đứng đầu phòng chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng ING, cho biết Trung Quốc vẫn thiếu đầu mối thị trường trong ngành dầu khí quốc tế mặc dù đây là nước mua dầu thô lớn nhất. Do đó, phải mất nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều thập kỷ để khiến các thương nhân thế giới có thể nghiêm túc xem xét dầu thô của Thượng Hải, thay vì Brent hay WTI, như một chuẩn mực thực tế cho giá dầu toàn cầu.

Đồng thời, chính phủ Trung Quốc đang có kế hoạch dài hạn để tăng ảnh hưởng của họ trong ngành dầu khí toàn cầu. Vào cuối tháng 3, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã cấp phép cho tỉnh ven biển Chiết Giang thiết lập một khu vực thương mại tự do chuyên về dầu mỏ.

Theo kế hoạch chi tiết, Trung Quốc sẽ thu hút các sàn giao dịch từ New York, London, Singapore và Dubai cung cấp dịch vụ giao dịch trong khu vực thương mại tự do mới và sẽ cho phép các nhà tinh chế nhập khẩu dầu thô, chế biến tại địa phương và sau đó xuất khẩu thành phẩm sang thị trường nước ngoài.

Hương Vũ

Theo SCMP