Mua lại AIA: “Canh bạc” lớn của Prudential
Một người da màu, 47 tuổi, từng là cựu bộ trưởng ở Bờ Biển Ngà, bỗng trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới qua thương vụ mua lại tập đoàn bảo hiểm AIA với giá kỷ lục 35,5 tỉ USD ngày 1/3. Đó là Tidjane Thiam, tổng giám đốc tập đoàn bảo hiểm nhân thọ Prudential.
Ngày 1/3, thị trường tài chính thế giới rúng động sau tin tập đoàn bảo hiểm Anh Prudential đạt được hợp đồng mua lại tập đoàn bảo hiểm AIA (trụ sở tại Hong Kong, là chi nhánh tại châu Á của tập đoàn AIG Mỹ) với mức giá kỷ lục 35,5 tỉ USD. Qua thương vụ này, thị phần của Prudential tại châu Á từ 47% tăng lên 60% với tổng số khách hàng là hơn 30 triệu.
Sau khi thông tin vụ mua bán hoàn tất, cổ phiếu của AIG trên thị trường chứng khoán ngày 1/3 tăng 4,1%, còn cổ phiếu của Prudential lại giảm 12%.
Con số 35,5 tỉ USD gọi là kỷ lục vì đây là thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) lớn nhất trong lĩnh vực tài chính toàn cầu cho đến nay, và cũng là thương vụ lớn nhất trong lịch sử 162 năm hoạt động của Prudential.
Giá trị hợp đồng này, theo nhận xét của báo điện tử Wall Street Journal (WSJ), lớn gấp đôi quy mô giá trị thị trường (embedded value) của Prudential.
Để có số tiền khổng lồ này, Prudential phải huy động thêm vốn qua phát hành cổ phiếu 21 tỉ USD - cũng là mức huy động vốn kỷ lục tại Anh - và vay thêm 5 tỉ USD.
Theo cam kết, Prudential phải chi ngay 25 tỉ USD tiền “tươi” cho AIG, phần còn lại trả bằng cổ phiếu trong doanh nghiệp mới thành lập từ vụ mua bán này.
AIA thành lập năm 1919 tại Hong Kong, nay hoạt động tại 15 thị trường (trong đó có Việt Nam) và có hơn 23 triệu khách hàng. Năm 2009, AIA có lợi nhuận 1,4 tỉ USD trong năm tài khoá kết thúc vào 30/11/2009.
Canh bạc lớn
“Chuyển hoá là một từ dùng hơi bị lạm dụng, nhưng thương vụ này thực sự là một bước chuyển hoá”, tổng giám đốc Prudential, ông Tidjane Thiam phát biểu sau buổi ký kết với báo chí tại Hong Kong.
Có phải tổng giám đốc Thiam đang đánh một canh bạc lớn tại thị trường châu Á khi đặt bút ký hợp đồng mua lại AIA Hong Kong? Rõ ràng với thương vụ này, Prudential trở thành tập đoàn bảo hiểm nhân thọ lớn nhất châu Á, nơi có dân số lớn nhất thế giới và thu nhập của người dân châu lục này đang gia tăng.
Theo ước tính của hãng tư vấn McKinsey, khoảng 100 triệu hộ gia đình tại châu Á có thu nhập bình quân từ 10.000 USD/năm trở lên sẽ tăng gấp ba lần trong thời gian từ 2007 đến 2012, nghĩa là sẽ có hơn 200 triệu hộ tiềm năng cho thị trường bảo hiểm nhân thọ tại châu Á.
Quy ra tiền, thị trường bảo hiểm có thêm số vốn tiềm tàng từ 750 - 950 tỉ USD/năm so với mức 632 tỉ USD năm 2007. Báo WSJ nhận định: ông Thiam đã trả một cái giá quá hời cho AIA khi mua AIA với số tiền gấp 1,69 lần giá trị thị trường của AIA tính đến hết năm 2009.
Có thể lý giải rằng ông Thiam đã đặt cược vào sự phát triển nhanh chóng của châu Á để ra tay, trong khi thị trường bảo hiểm ở các nước phát triển gần như khó chen chân và tăng trưởng thấp.
Ông Thiam đang tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm Mark Tucker trong việc sử dụng lợi nhuận từ thị trường Anh để đổ vào kinh doanh ở châu Á, nơi có tốc độ phát triển cao và lợi nhuận cũng cao do người dân ở đây gửi tiết kiệm nhiều.
Như vậy đây không phải là một canh bạc xấu (từ dùng của WSJ). Tuy vậy thị trường châu Á vẫn còn một số nơi khó thâm nhập. Như nhiều tập đoàn bảo hiểm khác, Prudential xem Trung Quốc là một “hạt đậu khó nhằn”, dù tập đoàn này đã có một liên doanh với Citic của Trung Quốc.
Ngay như AIA được vào Trung Quốc từ những năm 1970 và mãi đến nay chỉ duy nhất họ là doanh nghiệp bảo hiểm 100% vốn nước ngoài được hoạt động đầy đủ tại thị trường đầy tiềm năng là Trung Quốc. Phản ứng của Trung Quốc với sự thay đổi chủ sở hữu của AIA cũng có thể ảnh hưởng đến vụ sáp nhập này.
Lý do khiến một số nhà phân tích lo ngại vì Prudential giảm lợi nhuận khi đạt doanh số bán thấp tại Ấn Độ và Hàn Quốc năm 2009. Đầu năm nay tập đoàn này phải hoãn lại một số hoạt động mới tại thị trường Nhật và Đài Loan.
“Ông ta đến sau nên phải trả giá cao hơn”, giám đốc quỹ LV Asset Management Ltd. (London, Anh), ông Michael Crawford bình luận về mức giá “khủng” mà Thiam đưa ra với AIA. Bởi trước đó AIG đã có kế hoạch IPO với AIA sau khi việc bán đấu giá chi nhánh này bị thất bại.
Dè dặt hơn, John Smith, giám đốc quỹ của ngân hàng Brown Shipley & Co (Manchester, Anh) phát biểu với hãng tin Bloomberg rằng, “Đây có vẻ như là một thương vụ tốt cho dài hạn, mặc dù vẫn còn một số rủi ro. Việc sáp nhập này sẽ làm Prudential thành doanh nghiệp chỉ tập trung vào thị trường châu Á”.
AIG hài lòng
Với tập đoàn AIG, thương vụ này làm hài lòng cả ban giám đốc lẫn chính phủ. AIG sẽ dùng số tiền “tươi” 25 tỉ USD từ Prudential trả bớt nợ cho chính phủ Mỹ, vốn đã phải bỏ ra hơn 180 tỉ USD cứu cho tập đoàn này khỏi sụp đổ vào năm 2008.
Chính phủ Mỹ cũng ủng hộ việc mua bán này. Tư vấn cho AIG trong thương vụ này là những ngân hàng sừng sỏ như Citigroup, Goldman Sachs và Blackstone Group.
AIG cũng đang thương thảo việc bán Alico, một chi nhánh bảo hiểm khác của tập đoàn này tại châu Á, cho MetLife Inc. Từ tháng 9/2008 đến nay, AIG đã bán đi hơn 20 doanh nghiệp con. Và nay số tiền họ còn nợ chính phủ chỉ khoảng 130 tỉ USD.
Theo H.S
SGTT/Reuters, WSJ, MarketWatch