MSB hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm
(Dân trí) - Kết thúc 6 tháng, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HoSE: MSB) hoàn thành trên 50% mục tiêu lợi nhuận năm với sự tăng trưởng ổn định của thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi.
Trong bối cảnh kinh tế còn biến động, MSB kiên định với mục tiêu tăng trưởng bền vững, chú trọng gia tăng trải nghiệm khách hàng dựa trên nền tảng công nghệ cao.
Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 237.800 tỷ, tăng 11,8% so với thời điểm 31/12/2022. Tổng cho vay khách hàng lũy kế 6 tháng đạt gần 136.600 tỷ đồng, tăng trưởng đạt 13,2% kể từ đầu năm 2023, cao hơn mức trung bình toàn ngành, với sự đóng góp lớn từ các phân khúc chiến lược như khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tiền gửi khách hàng lũy kế 6 tháng ghi nhận gần 126.300 tỷ đồng, tăng nhẹ 7,8% so với cuối năm 2022, trong đó tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi ký quỹ có sự tăng trưởng tốt khi tăng lần lượt 24% và 30%.
Tổng thu thuần của MSB trong 6 tháng đầu năm đạt gần 6.400 tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh mẽ hơn 86%, tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập hoạt động đạt trên 31%. Điều này cũng cho thấy sự nỗ lực của MSB trong việc chuyển đổi và đa dạng hóa cơ cấu nguồn thu, đặc biệt trong hoàn cảnh các hoạt động kinh doanh dựa trên cho vay đang có nhiều biến động bất lợi.
Thu nhập lãi thuần tăng ổn định nhờ cơ chế cho vay linh hoạt, chất lượng tệp khách hàng tốt và quản trị nguồn vốn kinh doanh hiệu quả. Trên cơ sở đó, biên lãi ròng NIM lũy kế 4 quý gần nhất của ngân hàng đạt 4,26%, tiếp tục ổn định ở mức cao trên thị trường.
Không chỉ kiểm soát mức tăng trưởng ổn định và an toàn, chi phí của ngân hàng tiếp tục được tối ưu hóa. Chỉ số chi phí trên doanh thu (CIR) tính đến cuối tháng 6 là 30,41%. Nhờ chiến lược điều phối nhịp nhàng giữa quản lý chi phí và gia tăng hiệu quả sinh lời, lợi nhuận hợp nhất trước thuế lũy kế 6 tháng của MSB đạt 3.548 tỷ đồng, tương đương 56% kế hoạch năm.
Về các chỉ số an toàn hoạt động, tỷ lệ nợ xấu (NPL) riêng lẻ tại 30/6/2023 của MSB được kiểm soát ở mức 1,73%. Để đảm bảo các quy chuẩn về an toàn hoạt động và trích lập dự phòng đầy đủ cho các khoản nợ tái cơ cấu do Covid-19, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho những kịch bản bất lợi hơn trong thời gian tới, ngân hàng cũng chủ động trích lập dự phòng đầy đủ cho các rủi ro tín dụng.
Bên cạnh đó, tỷ lệ dư nợ trên huy động (LDR) và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng được duy trì và củng cố khi lần lượt đạt 68,31% (so với giới hạn 85%) và 31,92% (so với yêu cầu 37%). MSB cũng ghi nhận chỉ số an toàn vốn (CAR) riêng lẻ ở mức cao, đạt 12,7%.
Trong 6 tháng cuối năm, MSB định hướng gia tăng nguồn thu ngoài lãi bên cạnh việc duy trì mảng kinh doanh cốt lõi.
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc ngân hàng cho biết: "Sự chuyển dịch này phù hợp với chiến lược hiện tại của MSB khi giảm tỷ trọng kinh doanh lĩnh vực tiềm ẩn biến động, đồng thời tối ưu hóa nguồn thu từ các hoạt động phi tín dụng như dịch vụ thẻ, thanh toán, kinh doanh ngoại tệ, dịch vụ ngân hàng đầu tư… Việc sở hữu cơ cấu thu nhập có tỷ trọng thu nhập ngoài lãi cao sẽ giúp ngân hàng tăng trưởng bền vững, ổn định hơn trong dài hạn".
Song song, ngân hàng sẽ tiếp tục nâng cấp các hành trình trải nghiệm (CJ) bao gồm đăng ký thẻ tín dụng, vay tín chấp, vay thế chấp, mua bảo hiểm nhân thọ/phi nhân thọ trực tuyến với mức độ tự động hóa hoàn toàn, phát huy tính chủ động của khách hàng trong mọi bước tiếp cận, giảm thiểu điểm chạm xuống 1 với khách hàng doanh nghiệp và 0 với khách hàng cá nhân.
Việc đầu tư vào các dự án trọng điểm được kỳ vọng tác động trực tiếp tới việc tối ưu hóa tỷ lệ chi phí trên doanh thu của MSB, gia tăng nguồn tiền gửi không kỳ hạn CASA…, qua đó góp phần nâng cao thanh khoản, giảm chi phí huy động vốn và tăng hiệu quả hoạt động.
Số hóa cũng là cơ sở để MSB tiếp cận khách hàng tốt hơn, đưa mảng bán lẻ trở thành động lực tăng trưởng trong thời gian tới, nhằm phân tán rủi ro trong hoạt động. Đồng thời, với đặc thù tăng trưởng dân số, GDP/người, sự dịch chuyển thói quen sang tiêu dùng không tiền mặt cùng tần suất sử dụng internet và mức độ ưa chuộng công nghệ, mảng ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam được MSB xác định còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng.
Với kỳ vọng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các cơ quan quản lý sẽ phát huy tác dụng trong thời gian tới, cùng với cách thức vận hành linh hoạt và tiềm lực hiện có, các hoạt động kinh doanh tại MSB được kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng tích cực hơn trong những quý tới và đạt mục tiêu đã đề ra tại đại hội đồng cổ đông diễn ra hồi tháng 4 vừa qua.