MSB đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 34% năm 2022
(Dân trí) - Ngày 25/4, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HoSE: MSB) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên và thông qua nhiều kế hoạch quan trọng của năm 2022.
Tại đại hội, các cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh của ngân hàng trong năm 2022, phương án tăng vốn điều lệ, phát hành ESOP và đồng thời bầu thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ mới. Theo đóđưa ra kế hoạch mục tiêu tương đối khả quan với kỳ vọng bối cảnh kinh kế vĩ mô có nhiều chuyển biến tích cực và phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.
Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.800 tỷ đồng, tăng gần 34% so với năm 2021, tổng tài sản đạt 233 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 14% so với năm trước. Tăng trưởng tín dụng được ngân hàng kỳ vọng ở mức 25% (tùy thuộc vào sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước). Song song với mục tiêu về tăng trưởng, MSB cũng bám sát với mục tiêu kiểm soát tốt nợ xấu dưới 3%.
Các chỉ tiêu 2022 được xây dựng dựa trên sức mạnh nền tảng chiến lược đã được ngân hàng củng cố những năm gần đây và đồng thời dựa trên kết quả khả quan của năm trước đó. cụ thể, năm 2021, MSB đã đạt 5.088 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 55% so với chỉ tiêu được giao và hơn gấp 2 con số này của năm 2020. Tổng tài sản của ngân hàng đạt trên 203 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 15% so với cuối năm 2020 và vượt hơn 7% so với kế hoạch đề ra. CASA của ngân hàng nằm trong top 3 trên thị trường, top 10 ngân hàng có lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối cao nhất trong năm 2021.
Song hành cùng sự tăng trưởng của các chỉ tiêu kinh doanh, MSB cũng không ngừng cải thiện chất lượng tài sản dựa trên các yếu tố: nâng cao quản trị rủi ro khi hoàn thành Basel II và triển khai Basel III; tập trung cho vay vào các lĩnh vực sản xuất, y tế, giáo dục… Ngân hàng hạn chế tỷ trọng cho vay bất động sản (năm 2021 tín dụng cho bất động sản của MSB chỉ chiếm gần 12% tổng dư nợ); nợ tái cơ cấu ở mức thấp với hơn 3.000 tỷ đồng đã được trích lập đầy đủ… Điều này đã giúp tỷ lệ nợ xấu của MSB chỉ ở mức 1,2% và hệ số an toàn CAR đạt 11,52%.
Bên cạnh đà tăng trưởng tốt của kết quả kinh doanh, MSB cũng đã xây dựng định hướng chiến lược cụ thể để có thể hiện thực hóa được mục tiêu 2022, trong đó tập trung vào các giải pháp về số hóa như tiếp tục triển khai hai dự án trọng điểm là dự án Nhà máy số và thay mới Core-Banking, ứng dụng Big-Data và phân tích dữ liệu.
Bên cạnh đó, các giải pháp về nguồn lực và tổ chức cũng được chú trọng như: Tinh gọn các quy trình và nâng cao năng lực của lực lượng bán hàng, thúc đẩy văn hóa làm việc số, linh hoạt và thực nghiệm. Ngân hàng cũng sẽ mở rộng khai thác chuỗi và hệ sinh thái khách hàng và đồng thời xây dựng phát triển mảng dịch vụ khách hàng ưu tiên (Private Banking).
Đại hội đồng cổ đông cũng đã thông qua kế hoạch thoái vốn khỏi công ty con FCCOM với hai phương án hoặc chuyển nhượng một phần vốn, cùng hợp tác đường dài với đối tác chiến lược hoặc chuyển nhượng 100% vốn để ngân hàng tập trung toàn bộ nguồn lực vào lĩnh vực kinh doanh chính.
Với mục tiêu nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo quản trị rủi ro theo các tiêu chuẩn cao nhất nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường ngân hàng và hướng tới vị thế các ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam, đại hội đồng cổ đông cũng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 thông qua phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 30%. Theo đó, vốn điều lệ của MSB sẽ tăng lên hơn 19 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, MSB cũng đã trình đại hội thông qua phương án phát hành ESOP cho cán bộ nhân viên với mục tiêu gắn kết lợi ích của người lao động với MSB và tăng vốn điều lệ của ngân hàng. Theo đó, dự kiến ngân hàng sẽ phát hành tối đa 14.25 triệu cổ phiếu cho chương trình ESOP từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối. Sau đợt phát hành ESOP này, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng thêm 142,5 tỷ đồng, nâng tổng vốn điều lệ lên 20 nghìn đồng.
Đại hội đồng cổ đông cũng đã bầu ra thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát cho nhiệm kỳ mới 2022-2026. Đại hội đồng cổ đông đã đồng thuận thông qua số lượng thành viên của HĐQT gồm 7 thành viên gồm: Ông Trần Anh Tuấn, ông Nguyễn Hoàng An, bà Nguyễn Thị Thiên Hương, ông Trần Xuân Quảng, ông Nguyễn Hoàng Linh, bà Lê Thị Liên, ông Tạ Ngọc Đa (thành viên độc lập). Ban Kiểm soát gồm 3 thành viên, là bà Phạm Thị Thành, bà Lê Thanh Hà, bà Chu Thị Đàm.
Với đội ngũ nhân sự quản trị giàu kinh nghiệm và những kế hoạch, định hướng được Đại hội đồng cổ đông 2022 nhất trí đồng thuận sẽ là cơ sở để MSB tiếp tục phát triển mạnh mẽ và bền vững, sớm đạt mục tiêu vào Top 5 Ngân hàng TMCP tư nhân hàng đầu tại Việt Nam.
Thành lập năm 1991, trải qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, ngân hàng không ngừng vươn lên, tạo lập nhiều cột mốc quan trọng trong ngành tài chính ngân hàng. MSB hiện có trên 260 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc và có giao dịch với hơn 500 ngân hàng đại lý tại trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đội ngũ hơn 5.000 cán bộ, phục vụ gần 3 triệu khách hàng cá nhân và hơn 63.000 khách hàng doanh nghiệp.
Thông tin chi tiết xem tại website: www.msb.com.vn